Những ngày tháng 10 này, đến chợ đầu mối thủy sản thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung, các thuyền dịch vụ cập bến tấp nập. Hàng chục xe đông lạnh nối đuôi nhau xếp những khay cá còn tươi rói lên xe. Nhìn cảnh làm ăn khấm khá, ai cũng vui mừng.
Ông Phạm Kỳ, chủ cơ sở 19 Kỳ, một trong những cơ sở làm dịch vụ sớm nhất của Hòa Hiệp Trung, cho biết: "Chợ này là dân tự làm chứ nếu có vốn đầu tư bài bản, có cầu cảng cập thì còn phát triển mạnh hơn nữa. Dù vậy, có ngày ở đây mua cũng được 500-600 tấn cá. Dù rằng biển bãi ngang nhưng vẫn tiêu thụ hải sản rất mạnh".
Hòa Hiệp Trung là vùng bãi ngang, những ngày lặng sóng, tàu cá có thể cập được sát bãi. Trung bình mỗi ngày có từ vài chục đến gần 100 xe tải về đây mua bán cá tươi. Từ đây, cá của vùng biển Phú Yên được các thương lái là những ngư dân của làng biển Hòa Hiệp đưa đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước tiêu thụ.
Ông Nguyễn Sang, Phó thôn Phú Thọ 3, thành viên trong Ban quản lý chợ cá Phú Thọ 3, cho hay: "Chợ đầu mối thủy sản là chợ do thôn vận động nhân dân đóng góp xây dựng. Người khá giả thì góp nhiều, người khó khăn thì góp ít. Tổng giá trị xây dựng chợ vào thời điểm 2009 khoảng gần 100 triệu đồng và dần dần mở rộng quy mô sau đó".
Từ khi có chợ cá, nhiều ngư dân chuyển từ đánh bắt sang làm dịch vụ. Các đội tàu dịch vụ, từ vài chục chiếc ban đầu, đến nay tại xã Hòa Hiệp Trung đã hình thành được trên 100 chiếc. Dịch vụ hậu cần nghề cá ở xã phát triển mạnh đã góp phần thúc đẩy việc đánh bắt và tiêu thụ thủy sản cho ngư dân, giúp họ giảm chi phí, tăng thời gian hoạt động trên biển, tăng sản lượng đánh bắt và nâng cao thu nhập. Đối với những hộ dân nghèo không có phương tiện đánh bắt, sự phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tại chỗ giúp họ giải quyết công ăn việc làm với thu nhập bình quân 120.000-200.000 đồng mỗi ngày.