Chồng chất khó khăn
Gia đình ông Phan Thảo (tổ dân phố Tân An, thị trấn Thuận An) có 2ha mặt nước nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang, đoạn sát cửa biển Thuận An. Vào tháng 1.2016, ông Thảo đầu tư hơn 100 triệu đồng thả nuôi tôm, cua và các loại cá đặc sản như cá dìa, cá hồng, cá nâu trên diện tích mặt nước này. Sau khi Formosa gây ô nhiễm môi trường biển, các loại thủy sản tại hồ nuôi của gia đình ông Thảo chết hàng loạt.
Ông Thảo cho biết, trước đây, mỗi vụ nuôi gia đình ông thu được gần 200 triệu đồng, nhưng vụ nuôi này chỉ thu được vỏn vẹn... 5 triệu đồng. Nguyên nhân là do phần nhiều thủy sản thả nuôi đã bị chết, số còn sống đem bán thì rớt giá nghiêm trọng. “Sau khi Formosa xả thải, các loại thủy sản chúng tôi thả nuôi may mắn sống sót đều bị mất giá hơn 50%. Cá nâu trước có giá 550.000 đồng/kg nhưng giờ chỉ còn 230.000 đồng/kg, cua từ 250.000 đồng giảm còn 120.000 đồng/kg…”- ông Thảo cho hay.
Cùng cảnh ngộ với gia đình ông Thảo là hàng trăm hộ dân ngư dân khác ở tổ dân phố Tân An. Thiệt hại nặng nề do thủy sản chết và mất giá trong khi không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào đã khiến cuộc sống của ngư dân nơi đây chồng chất khó khăn. Hàng loạt hộ bị đẩy vào cảnh nợ nần ngập đầu, không có đủ tiền lo cho con ăn học và mua bảo hiểm y tế. Vừa qua, ngư dân nơi đây đã làm đơn kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế có chính sách hỗ trợ để giúp họ ổn định cuộc sống và có điều kiện khôi phục sản xuất.
Nguyện vọng chính đáng
Không chỉ ngư dân tổ dân phố Tân An mà hàng trăm hộ ngư dân ở các tổ dân phố khác của thị trấn Thuận An cũng rơi vào cảnh tương tự. Toàn thị trấn này có hơn 900 hộ nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang, trong đó cón 323 hộ dân nuôi cá lồng. Sau khi Formosa xả thải, gần như tất cả các hộ dân nơi đây đều bị thiệt hại nặng nhưng chỉ có 73 hộ nuôi cá lồng được hỗ trợ theo diện thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Trao đổi với NTNN, ông Hoàng Phước- Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết: Sở dĩ trong số hơn 900 hộ nuôi trồng thủy sản ở địa phương chỉ có 73 hộ được hỗ trợ là do những hộ này được cơ quan chức năng xác định bị thiệt hại do sự cố Formosa. Những hộ còn lại được xác định thiệt hại không phải do Formosa gây ra mà do thời tiết và ô nhiễm môi trường nước nên không được hỗ trợ.
Theo ông Phước, tại kỳ họp vừa qua, HĐND thị trấn đã thống nhất tạm thời khoanh một phần thuế mặt nước nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ, động viên người dân. Ông Phước cho biết, nguyện vọng được hỗ trợ thiệt hại của ngư dân nuôi trồng thủy sản tại địa phương là chính đáng, nhất là vấn đề thiệt hại do thủy sản họ nuôi bị rớt giá nghiêm trọng do sự cố Formosa. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay trong giải quyết nguyện vọng của người dân là nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thủy sản vùng đầm phá rớt giá vì sự cố môi trường biển.
Theo ông Hoàng Phước, trước khi hàng trăm hộ ngư dân địa phương gửi đơn đến UBND tỉnh và nhiều cơ quan khác, chính quyền thị trấn đã có văn bản đề xuất cấp trên có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho những hộ ngư dân này.