Theo ông Mang Thống Nhất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, vụ 1 năm nay toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.500ha tôm. Người nuôi thắng lợi lớn sau cả chục năm liên tục nếm mùi thất bại. Nguyên nhân là nhờ 5 cơn lũ lớn xảy ra vào cuối năm ngoái đã rửa trôi hết những tồn dư gây ô nhiễm môi trường trong nguồn nước và ao nuôi, dịch bệnh không phát sinh, tôm nuôi phát triển khỏe. Những diện tích nuôi bán thâm canh năm nay có vùng trúng đến 7 - 8 tấn/ha. Tính bình quân 1ha người nuôi tôm có lãi 70 - 80 triệu đồng.
Về vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh là huyện Tuy Phước, trong những ngày này, chúng tôi nhận thấy bà con đang tận hưởng những niềm vui trọn vẹn. Bởi tôm nuôi không những được mùa mà còn trúng giá. Theo ông Phạm Quang Ân, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước, vụ nuôi đầu năm 2017, toàn huyện có 971ha diện tích ao hồ được thả nuôi, trong đó có 100ha nuôi theo phương thức bán thâm canh, còn lại nuôi quảng canh cải tiến theo kiểu đánh tỉa thả bù.
“Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch trên 95% diện tích với năng suất bình quân đạt gần 8 tạ/ha, sản lượng đạt 771 tấn. Điều đáng mừng nhất là trên diện tích nuôi bán thâm canh, năng suất tôm đạt bình quân 4,2 tấn/ha, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, ông Ân cho hay.
Ông Phan Văn Chạy, người có thâm niên gần 15 năm nuôi tôm tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) bộc bạch: “Vụ này tui thả nuôi 2 ao với diện tích gần 1ha. Đến nay cả 2 ao tôm đã thu hoạch xong, năng suất đạt 4,5 tấn tôm thẻ chân trắng, bán được gần 500 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí về con giống, thức ăn, tui còn lãi ròng 300 triệu đồng. Đây là vụ tôm trúng lớn nhất từ trong 10 năm qua...”.
Theo những người nuôi tôm có kinh nghiệm ở huyện Tuy Phước, muốn nuôi tôm thành công phải chú trọng 4 yếu tố: “Nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ quản”. Con giống phải được mua ở những cơ sở SX giống uy tín, chất lượng, được kiểm dịch và sàng lọc bệnh kỹ càng. Môi là môi trường, trước khi thả giống phải xử lý ao đìa kỹ lưỡng; ngoài ra còn phải theo dõi thường xuyên nguồn nước trong ao nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Mồi là thức ăn cho tôm, người nuôi cần phải cân đối nguồn thức ăn đảm bảo đủ dưỡng chất theo từng tuổi tôm, không được để thức ăn dư thừa gây ô nhiễm môi trường ao nuôi. Cuối cùng là cách quản lý, người nuôi phải có hiểu biết về quy trình, kỹ thuật nuôi và phải theo dõi thường xuyên ao nuôi của mình, nhất là có tính cộng đồng cao...
Đặc biệt, trong vụ nuôi tôm đầu năm nay, dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Bình Định đã hỗ trợ vốn, con giống, kỹ thuật giúp một số vùng nuôi tôm ở Tuy Phước xây dựng mô hình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học, có sự tham gia quản lý dịch bệnh của cộng đồng.
Qua thực hiện mô hình nuôi tôm an toàn sinh học trên diện tích 23,5ha mặt nước (45 hộ tham gia) tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) cho thấy, nhờ kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng với nuôi cá rô phi đã mang lại năng suất tôm bình quân 4,2 tấn/ha, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm sú kết hợp cá chua theo hướng thân thiện môi trường với quy mô 19,5ha (18 hộ tham gia) ở thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), năng suất tôm đạt 700 kg/ha, lợi nhuận trên 60 triệu đồng/ha.
“Trước đây nước xả từ hồ nuôi ra môi trường và dẫn nước vào nuôi cùng chung tuyến kênh nên gây ô nhiễm nguồn nước nuôi. Bây giờ ở vùng nuôi tôm an toàn sinh học tại thôn Đông Điền, xã Phước Thắng được xây dựng hệ thống kênh cấp nước và kênh xả riêng bằng bê tông. Bên cạnh đó, vùng nuôi còn được xây dựng 1 cái ao xử lý chung, cả 23,5ha ao của 45 hộ nuôi tôm ở đây để xả ra ao này. Trong ao được nuôi cá rô phi để chúng dọn những chất thải từ những ao nuôi xả ra. Trong ao tuyệt đối không cho thả tôm, chỉ được nuôi cá. Đây là mô hình cực hiệu quả, nếu nhân rộng thì tôm nuôi sẽ không sợ gì dịch bệnh”, ông Mang Thống Nhất.