Những ngày này về vùng nuôi tôm ở xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa đi đến đâu chúng tôi chỉ nghe nông dân thở dài khi nói chuyện tôm. Đi qua các đầm tôm thuộc thôn Tiên Du 1, không khí vụ nuôi tôm đợt 2 vắng hẳn cảnh tất bật như thường lệ, thay vào đó là những ao tôm bỏ trống, vắng bóng người, chỉ lác đác vài bóng chủ hồ tiến hành thu hoạch “mót” tôm, mong vớt vát chút ít.
Ông Nguyễn Bảy, trưởng thôn Tiên Du 1 cho biết: 2 vụ thả nuôi năm nay hầu hết người nuôi tôm ở thôn đều trắng tay vì tình trạng chung là tôm chết cứ kéo dài cho đến nay. Người lỗ ít nhất cũng vài chục triệu đồng, còn nhiều lên đến hàng trăm triệu.
Để chứng minh, ông Bảy dẫn chúng tôi đến khu vực mương Bà Sáu. Tại đây, hết các hồ tôm đều bỏ trống, máy sục khí oxy đều bị tháo dỡ, mặc dù thời điểm này đang bước vào mùa thu hoạch tôm đợt 2.
Ghé thăm ao tôm nhà ông Nguyễn Duy Hùng ở thôn Tiên Du 1, ông bức xúc: “Cứ nuôi được từ 20 - 40 ngày thì tôm bỏ ăn rồi chết dần chết mòn, như vậy còn đâu nữa mà thu hoạch hả chú”.
Nói xong ông Hùng dùng vợt vớt tôm trong ao nhà mình nuôi được hơn 40 ngày tuổi với kích cỡ chỉ bằng chiếc đầu đũa. Chúng tôi thắc mắc hỏi ông Hùng, tại sao tôm nuôi hơn 40 ngày nhưng không thấy lớn. Ông Hùng bảo, do có cho tôm ăn nữa đâu mà lớn, gia đình sợ thua lỗ nặng nên đã dừng cho ăn nửa tháng nay.
Qua tìm hiểu, được biết, qua 2 vụ thả nuôi gia đình ông Hùng bị thua lỗ gần 100 triệu đồng. Vụ nuôi đợt 1 gia đình ông thả 20 vạn giống cho 8.000 m2, nuôi được gần 2,5 tháng thì tôm chết, thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Còn thả đợt 2 từ ngày 10/6, gia đình ông thả hơn 20 vạn giống, với giá đầu 82 đ/con cho 10.000 m2 (3 ao), nuôi được 25 - 40 ngày thì tôm cũng biểu hiện bỏ ăn rồi đâm vào bờ chết. Hiện gia đình ông Hùng đã xả bỏ 2 ao, còn 1 ao với 2.500 m2 nhưng tôm vẫn tiếp tục chết như đã nói ở trên.
Tương tự hộ gần bên gia đình anh Nguyễn Quốc Khương, người cùng thôn cũng điêu đứng vì qua 2 đợt thả nuôi nhưng chẳng đợt nào cho thu hoạch do tôm chết non.
Gặp chúng tôi, anh Khương than vãn: “Gia đình tôi có 4 ao nuôi với tổng diện tích 11.000 m2. Đợt đầu tôi thả 70 vạn giống, với giá đầu tư 750 ngàn đồng/vạn, nuôi được 45 ngày thì tôm “dính” bệnh bỏ ăn chết hàng loạt, thu được 7 tạ bán với 37 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí tôi lỗ hơn 50 triệu đồng. Còn đợt 2 tôi thả từ ngày 2/6 (ÂL) với 20 vạn giống cho 5.000 m2, nuôi được 28 ngày thì tôm lại tái diễn tình trạng chết, thiệt hại gần 40 triệu đồng”.
Thê thảm nhất là gia đình bà Dương Thị Thứ, thôn Tiên Du 2, từ đầu vụ tới giờ, gia đình bà đã thả nuôi 3 lần với hơn 1 triệu giống, chi phí lên đến gần trăm triệu đồng, nhưng chỉ nuôi được 25 - 30 ngày là tôm lại chết.
Ông Phạm Văn Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Phú cho biết: Toàn xã có 140 ha ao nuôi tôm thẻ. Đối với vụ thả nuôi đợt 1 toàn xã thả nuôi 100% diện tích, còn vụ 2 chỉ thả có 2/3 diện tích. Tuy nhiên qua 2 đợt thả nuôi hầu hết người nuôi tôm trong xã đều thua lỗ do tôm nuôi từ 25 - 40 ngày tuổi là bị chết gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Sinh cho biết, sau khi nhận tin Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Khánh Hòa đã về kiểm tra tình hình dịch bệnh tôm nuôi tại địa phương. Theo nhận định ban đầu của Chi cục NTTS về nguyên nhân tôm chết là do tôm bị nhiễm bệnh IHHNV (hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô).
Bệnh này có thể lan truyền từ thế hệ bố mẹ đến thế hệ con và có thể lây lan giữa các cá thể trong quần đàn tôm. Mặt khác bệnh này còn làm chậm khả năng tăng trưởng của tôm và tỷ lệ sống.