Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, khoảng 10 năm trước, tổng diện tích mặt nước của cây rong sụn là trên 400 ha, tập trung ở các xã biển Phước Dinh, Cà Ná, Phước Diên (huyện Thuận Nam) và Tri Hải, Thanh Hải (huyện Ninh Hải). Lúc đó, sản lượng rong sụn toàn tỉnh bình quân hơn 9.000 tấn/năm.
Trong giai đoạn 2007-2010, giá rong sụn trên dưới 1.500 đồng/kg đã mang lại nguồn lãi khá lớn cho người trồng. Nhiều gia đình ở xã Phước Dinh, địa phương có diện tích trồng rong sụn lớn nhất tỉnh với gần 300 ha, đã trở nên khá giả.
Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người trồng rong sụn liên tục bị mất mùa. Ông Trần Hài (xã Phước Dinh, trồng hơn 2 ha rong) cho biết phải chịu lỗ gần 40 triệu đồng/năm/ha vì sản lượng quá thấp. Hàng trăm nông hộ trồng rong sụn khác cũng trong tình cảnh tương tự, mỗi hộ thua lỗ vài chục triệu đồng/năm. Không thể trụ nổi với nghề, nhiều hộ chuyên canh rong sụn đành phải dỡ lưới, rời biển, tìm kế mưu sinh khác. Từ đó, diện tích cây trồng này teo tóp đến thê thảm.
Thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận cho thấy diện tích rong sụn toàn tỉnh hiện chỉ còn 45 ha, sản lượng xấp xỉ 950 tấn/năm. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, rong sụn chỉ còn trồng ở huyện Ninh Hải, còn hầu hết nông dân huyện Thuận Nam đã cạn vốn để tiếp tục đầu tư. Hiện nghề trồng rong sụn không còn hiệu quả mà nguyên nhân được cho là do thời tiết và môi trường biển.
Theo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, những năm gần đây, mùa nắng nóng ở địa phương này kéo dài nhiều tháng, nhiệt độ bình quân rất cao; mùa gió bấc sóng rất mạnh, thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường biển gần bờ khiến rong sụn sinh trưởng kém, bị teo thân, cong nhánh, phải thu hoạch non, người trồng liên tục thua lỗ.
Năm 2017, kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận là cố gắng khôi phục diện tích rong sụn khoảng 150 ha, phấn đấu đến năm 2020 đạt 200 ha. Tuy nhiên, với thực trạng nghề trồng rong sụn hiện nay, mục tiêu này khó có thể thực hiện.
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận cho biết dù khó khăn nhưng trong tháng 10-2017, đơn vị sẽ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo để khôi phục khoảng 30 ha rong sụn ở khu vực Đầm Nại, huyện Ninh Hải. Trung tâm còn đề xuất tỉnh tạo điều kiện cho những hộ trồng rong sụn thiếu vốn được vay hỗ trợ tái sản xuất.