Trong cái nắng hơn 37°C, người dân vùng nuôi tôm ở thôn 7, xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) đang tập trung chống nóng cho đầm tôm của mình. Hàng chục quạt khí quay tít, tạo nên bọt nước trắng xóa, điều hòa ô xi cho tôm nuôi giữa cái nắng gắt của thời tiết.
Ông Trần Bách Quyền – chủ đầm tôm ở đây, cho biết: Vụ này tôi đầu tư cả tỷ đồng. Thời tiết thật khắc nghiệt, có khả năng làm cho tôm chậm lớn. Và thực tế, tôm đã bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh phân trắng. Mấy ngày nay, tôi “đứng ngồi không yên” vì nắng nóng kéo dài.
“Hàng ngày, tôi phải theo dõi kiểm tra tất cả các ao nuôi, sục khí thường xuyên để chống nóng cho tôm và cấp nước để bù vào lượng nước bốc hơi. Mỗi lần khoảng 20-30% lượng nước trong ao, cấp vào lúc trời mát, khoảng sau 19 giờ đêm. Đồng thời, tiến hành sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi” - ông Quyền cho biết thêm.
Người dân thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi trong những ngày nắng nóng.
Không chỉ ông Quyền mà hầu hết các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều lo sợ dịch bệnh xẩy ra do thời tiết khắc nghiệt. Thời điểm này, tôm nuôi đang vào kỳ thu hoạch mà để xẩy ra dịch bệnh thì thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Hữu An chủ đầm tôm ở thôn Bắc Hòa , xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) vừa thu hoạch “non” được hơn 10 tấn tôm thương phẩm với kích cở 100 – 110 con/kg. Ông An chia sẻ: Mặc dù tôm chưa đạt đến kích cỡ như mong muốn nhưng với thời tiết nắng nóng 37 – 38 độ C như mấy ngày qua thì chưa biết chuyện gì xẩy ra. Vì vậy, tôi quyết định thu hoạch sớm hơn để cứu vốn đầu tư.
Sục khí thường xuyên để điều hòa ô xi cho tôm nuôi.
Thời gian gần đây, nắng nóng kéo dài làm môi trường ao nuôi tôm biến đổi đột ngột, nhất là yếu tố pH và nhiệt độ nước. Đây là những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con tôm. Theo dự báo, thời gian tới, trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục "đối mặt" với nắng nóng kéo dài, nhiệt độ có thể lên đến 40oC. Có nghĩa là, hiểm nguy cho tôm nuôi càng lớn.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh, khi nắng nóng liên tục kéo dài và nhiệt độ tăng cao sẽ ảnh hưởng bất lợi đến sức khoẻ của tôm nuôi, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp. Nắng nóng làm nước bốc hơi nhanh, độ mặn trong ao cũng tăng theo, tôm dễ phát sinh bệnh hoại tử gan tuỵ, bùng phát dịch bệnh.
“Thời gian tới, các hộ nuôi tôm cần phải quản lý tốt các yếu tố môi trường nước. Sự ổn định nhiệt độ, độ mặn, pH, độ kiềm, ô-xy hoà tan... trong ngưỡng thích hợp sẽ là các yếu tố giúp tôm phát triển tốt. Do đó, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và theo dõi hoạt động của tôm. Ðồng thời, cần chủ động duy trì mực nước trong ao (trên 1,2 m) để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình trạng nắng nóng. Đặc biệt, khi xuất hiện mưa trái mùa, cần theo dõi, quản lý ao nuôi, đề phòng tôm bị sốc do môi trường nước biến động...” - ông Hoàng khuyến cáo.
Được biết, hiện nay, ngoài các biện pháp kỹ thuật chống nóng thì người nuôi tôm ở tỉnh Nghệ An... đã đầu tư làm nhà bạt chống nóng cho tôm nuôi, giảm thiểu 30% nhiệt độ để hạn chế dịch bệnh do nắng nóng. Đây cũng là một cách làm hay, cần được đầu tư, nhân rộng, đảm bảo cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.