Do đó sẽ làm tăng nguy cơ vật nuôi dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn. Người nuôi nên san thưa mật độ nuôi trong lồng, dãn khoảng cách giữa các lồng nuôi, tách những cá thể tôm nhiễm bệnh nuôi riêng, cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi và vùng nuôi.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc gần tầng mặt để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi, dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress, treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông (nhất là với thời tiết bất lợi như hiện nay), sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời … Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp Oxy hòa tan cho tôm nuôi.
Ngoài ra, các hộ nuôi cũng phải thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước (nhiệt độ, độ mặn, ôxy hòa tan…), nhất là vùng nuôi Xuân Phương đang có nhiệt độ nước vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Cũng như thường xuyên theo dõi hoạt động, sức khỏe tôm nuôi (nhất là khi trời nắng và đứng gió) để có những giải pháp xử lý kịp thời.
Nên lựa chọn nguồn thức ăn tươi, đảm bảo chất lượng, cần thiết sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để đảm bảo an toàn cho vật nuôi. Định kỳ bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Người nuôi nên xuất bán khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm; hạn chế thả nuôi mới; nên san thưa mật độ tôm nuôi… nhằm giảm bớt chi phí thức ăn, tránh những tổn thất khác do biến cố môi trường xảy ra...