Nguyên lý phòng bệnh tổng hợp trong nuôi trồng thuỷ sản

Động vật thuỷ sản sống trong nước nên vấn đề phòng bệnh không giống gia súc trên cạn. Mỗi khi trong ao động vật thuỷ sản bị bệnh, không thể chữa từng con mà phải tính cả ao hay trọng lượng cả đàn để chữa bệnh nên tính lượng thuốc khó chính xác, tốn kém nhiều.

Tôm thẻ
Động vật thuỷ sản sống trong nước tôm thẻ. Ảnh: penaeid.com

Các loại thuốc chữa bệnh ngoài da cho động vật thuỷ sản  thường phun trực tiếp xuống nước chỉ áp dụng với các ao diện tích nhỏ, còn các thuỷ  vực có diện tích mặt nước lớn không sử dụng được. 

Các loại thuốc chữa bệnh bên trong cơ thể động vật thuỷ sản thường phải trộn vào thức ăn, nhưng lúc bị bệnh, động vật thuỷ sản không ăn, nên dù có sử dụng loại thuốc tốt sẽ không có hiệu quả. Có một số thuốc khi chữa bệnh cho động vật thuỷ sản có thể tiêu diệt được nguồn gốc gây bệnh nhưng kèm theo phản ứng phụ. Đặc biệt, những con khoẻ mạnh cũng phải dùng thuốc làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Vì vậy, các nhà nuôi trồng thuỷ sản luôn luôn đặt vấn đề phòng bệnh cho động vật thuỷ sản lên hàng đầu hay nói một cách khác phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết. 

Công tác phòng bệnh cho động vật thuỷ sản cần phải sử dụng các biện pháp  tổng hợp như sau: 

- Cải tạo môi trường nuôi động vật thuỷ sản.

- Tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh cho động vật thuỷ sản - Mầm bệnh.

- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể động vật thuỷ sản - Vật chủ. 

2. Nguyên lý phòng bệnh tổng hợp trong nuôi trồng thuỷ sản 

2.1. Cải tạo và vệ sinh môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản 

2.1.1. Xây dựng hệ thống nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với điều kiện phòng bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản.

Địa điểm xây dựng hệ thống nuôi trồng thủy sản trước tiên nguồn nước phải có quanh năm và nước sạch sẽ không độc hại với cá tôm. 

Không có các nguồn nước thải đổ vào, nhất là nguồn nước thải các nhà máy  công nghiệp, nếu có phải tính đến khả năng cải tạo để tránh động vật thuỷ sản khỏi  bị dịch bệnh và chết ngạt bởi thiếu oxy. 

Đất để xây dựng bờ và đáy ao, chúng ta cần phải chú ý nền đáy ao, đất không có nhiều chất hữu cơ như rễ cây rừng ngập mặn. Đất không xì phèn và phải giữ được nước, tốt nhất là đất thịt pha cát.  

Xây dựng hệ thống công trình nuôi trồng thủy sản phải có hệ thống mương dẫn nước vào thoát nước ra độc lập. Nên sử dụng một diện tích nhất định để chứa các chất thải sau mỗi chu kỳ nuôi, ngăn chặn các mầm bệnh lan truyền ra xung quanh. Đối với các khu vực nuôi thâm canh (công nghiệp) ao nuôi chiếm 60-70%  diện tích, ao chứa (lắng và lọc) diện tích chiếm từ 15-20% và ao xử lý nước thải (10- 15% diện tích).

2.1.2. Cải tạo ao đầm và dụng cụ trước khi ương nuôi động vật thuỷ sản

Tẩy dọn ao trước khi ương nuôi động vật thuỷ sản bao gồm tháo cạn, nạo vét bùn dưới đáy ao, tu sửa lại bờ mương máng, dọn sạch cỏ rác, phơi khô đáy ao, sau đó dùng các loại hoá chất để khử trùng ao với mục đích:

- Diệt địch hại và sinh vật là vật chủ trung gian sinh vật cạnh tranh thức ăn của tôm, cá như các loài cá dữ, cá tạp, giáp xác, côn trùng, nòng nọc, sinh vật đáy.

- Diệt sinh vật gây bệnh cho động vật thuỷ sản như các giống loài vi sinh vật: Vi khuẩn, nấm, tảo đơn bào và các loài ký sinh trùng.

- Cải tạo chất đáy làm tăng các muối dinh dưỡng giảm chất độc tích tụ ở đáy ao. 

- Đắp lại lỗ rò rỉ, tránh thất thoát nước trong ao, xoá bỏ nơi ẩn nấp của sinh vật hại cá, tôm.

Khối lượng bùn sau chu kỳ nuôiKhối lượng bùn sau chu kỳ nuôi (5 tấn sản phẩm/ha/)

Khối lượng bùn sau chu kỳ nuôi cá trắm cỏKhối lượng bùn sau chu kỳ nuôi cá trắm cỏ (5 tấn cá/ha)

Khối lượng bùn sau chu kỳ nuôi cáKhối lượng bùn sau chu kỳ nuôi cá (100 tấn cá/ha)

Khối lượng bùn sau chu kỳ nuôi cá 500 tấnKhối lượng bùn sau chu kỳ nuôi cá (500 tấn cá/ha)

2.1.3. Các biện pháp khử trùng

Dùng vôi để cải tạo ao: Ao sau khi đã tháo cạn nước dùng vôi sống, vôi bột hoặc vôi tôi. Liều lượng dùng phụ thuộc vào điều kiện môi trường thông thường  dùng 700-1.000 kg/ha.Vôi bột vẩy đều khắp ao, vôi sống thì cho vào các hố giữa ao, vôi tan ra và lúc đang nắng, dùng gáo cán gỗ múc rải khắp đáy ao. Sau khi bón vôi  một ngày cần dùng bàn trang hoặc bừa đảo đều rồi phơi nắng một tuần mới thả cá, tôm vào ương nuôi.

Nếu đáy ao xì phèn thì phải rửa chua 1-5 lần theo pH đất của đáy ao. Rửa chua bằng cách bơm nước vào đáy ao sâu 10-15cm, sau đó bón vôi (xem bảng 1) khắp đáy ao, ngâm vôi từ 7-10 ngày, tháo nước rửa chua ra. Tiếp tục làm lần 2 như lần 1. 

Dùng vôi nung khử trùng ao không những tiêu diệt được mầm bệnh mà còn có tác dụng cải tạo đáy ao, pH của nước ổn định, làm giàu chất dinh dưỡng trong môi trường nuôi. Đối với lồng bè nuôi tôm, có thể dùng nước vôi loãng, quét trong và ngoài để khử trùng. Vôi nung dễ kiếm, rẻ tiền và dễ sử dụng, có hiệu quả kinh tế cao. 

Dùng Trichloroisocyanuric axit (TCCA) khử trùng ao đầm nuôi: Khử trùng  triệt để nguồn nước ao nuôi tôm cá, có tác dụng tiêu độc của Clo hoạt tính lẫn oxy nguyên tử, lại vừa có tác dụng tăng oxy trong thuỷ vực. TCCA có thể dùng ở nước ngọt lẫn nước mặn, diệt hết thuỷ sinh vật có hại trong ao nuôi tôm, cá, hiệu quả  phòng chữa bệnh cao. 

TCCA có tác dụng diệt trùng, diệt tạp gần như vôi nhưng dùng số lượng ít,  độc lực giảm nhanh nhưng không có tác dụng cấp chất dinh dưỡng cho thuỷ vực nuôi cá. 

TCCA là một loại thuốc khử trùng, sát trùng chứa nhóm halogen, là một thuốc  thông dụng nhất, khi hoà tan trong nước nó hình thành HClO.

       H2O
TCCA —> HClO

Trong môi trường axit hoặc trung tính, HClO không phân ly nhưng lại có khả  năng phân huỷ, giải phóng Oxi và Clo nguyên tử. Oxy này có tác dụng oxy hoá và  đóng vón protein của vi khuẩn, Clo tham gia kết hợp với nhóm amin của protein,  thay thế hydro trong nhóm này và vì thế vi khuẩn không thực hiện được việc tạo nên  các liên kết hydro giữa các chuỗi polipeptit. 

HClO <=> HCl + O   

R – CO- NH – R —> R- CO – NCl – R. 

Trong môi trường kiềm HClO phân ly tạo ra các ion hydroclorid (ClO-) cũng  có tính oxi hoá nhưng kém hơn oxi nguyên tử và clo nguyên tử. pH càng tăng thì  tác dụng khử trùng của các chất chứa clo càng giảm (pH tăng từ 6 - 10 thì hoạt tính giảm 10 lần).  

Trong môi trường mùn bã hữu cơ hoạt tính của TCCA giảm, do HClO có tác dụng khử NH3, H2S nên chống hôi thối. 

Liều lượng dùng căn cứ vào khối lượng nước trong ao, thường dùng 3- 5 gam/m3(3-5 ppm) cho TCCA vào xô nhựa để hòa tan sau đó rắc xuống ao. Sau khi rắc xuống 1 tuần có thể thả cá tôm vì độc lực đã giảm. Các bể, dụng cụ ương nuôi ấu trùng khử trùng bằng TCCA nồng độ 10-20 ppm (10-20 gam/m3 nước) thời gian ngâm qua 1 đêm.

Bảng 1: Lượng vôi cải tạo, rửa chua và khử trùng ao

Nội dung 

pH đất đáy ao

> 6 

5 - 6 

4 - 5 

< 3

Cải tạo và khử trùng ao

Bột đá vôi (CaCO3) kg/ha 

1.000-1.500

Vôi nung (CaO) kg/ha 

700-1.000

Rửa chua (lần) 

3-5

Bột đá vôi (CaCO3) kg/ha 

3.000- 

3.500

5.000- 

8.000

12.000- 

14.000

Vôi nung (CaO) kg/ha 

1.500- 

2.000

2.500- 

4.000

8.000- 

10.000

Dùng quả bồ hòn, rễ cây thuốc cá: Dùng quả bồ hòn và cây thuốc cá diệt tạp hiệu quả cao vì trong chúng có độc  tố phá vỡ hồng cầu của cá tạp. Ao đã tát cạn dùng 40kg/ha Nếu ao nước sâu 1m dùng 60 - 75kg/ha. Rễ cây thuốc cá dùng 4g khô /m3 nước.

2.1.4. Vệ sinh môi trường nuôi  

Vệ sinh môi trường nuôi bằng cơ học

Trong quá trình nuôi tôm cá thương phẩm thức ăn thừa và phân tôm cá đã gây  ô nhiễm môi trường nuôi, đặc biệt là thời gian cuối chu kỳ nuôi. Những sản phẩm khí độc như: H2S, NH3 ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tôm cá nuôi. Biện pháp dùng hệ thống sục khí để tăng cường hàm lượng oxy hòa tan trong ao, đặc biệt là tầng đáy, tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển sẽ làm giảm thiểu lượng  khí độc trong ao. Sục khí mạnh cũng sẽ làm các khí độc thoát ra khỏi ao, đồng thời gồm các chất thải trong ao vào một nơi nhất định, giúp xi phông đáy rút các các chất  thải ra khỏi ao nuôi tốt hơn. 

Vệ sinh môi trường bằng hoá dược

Vệ sinh môi trường nước nuôi tôm cá thường xuyên bằng vôi bột (vôi nung  để tả) tùy theo pH của nước ao. Vôi có tác dụng cung cấp Ca++ cho ao, ổn định pH,  khử trùng làm sạch nước ao. Nếu pH <7 dùng 2 kg vôi/100m3; pH từ 7-8,5 có thể  dùng 1 kg vôi/100m3, định kỳ bón từ 2-4 lần/tháng; pH >8,5 dùng bột đá vôi (CaCO3) để bón là 1kg/100m3.  

Đối với ao nuôi tôm thâm canh có thể dùng vôi đen- Dolomite (Ca và Mg),  chú ý chất lượng vôi đen và nguồn gốc. Trong quá trình nuôi tôm cá nên thường  xuyên bón vôi 2-4 lần/tháng với liều lượng 1-2kg/100m3 nước(100-200kg/ha với độ  sâu 1m).  

Dùng một số hoá dược có tính oxi hoá mạnh phun vào ao: thuốc tím (KMnO4)  nồng độ 2-5g/m3; TCCA nồng độ 0,2-0,4ppm hoặc Benzalkonium Chloride (BKC) nồng độ từ 0,1-0,5 g/m3 để tham gia vào quá trình oxy hóa các khí độc (H2S, NH3)  thành các vật chất đơn giản không độc. 

Vệ sinh môi trường bằng sinh học

Khi nuôi cá tôm năng suất cao có thể dùng một số chế phẩm sinh học để cải  thiện môi trường nuôi cá tôm. Tác dụng của chế phẩm sinh học: 

- Cải thiện chất nước, ổn định pH, cân bằng hệ sinh thái trong ao. 

- Loại các chất thải chứa nitrogen trong ao nuôi, những chất thải này gây độc cho động vật thủy sản. Sau đó chúng được chuyển hóa thành sinh khối làm thức ăn  cho các động vật thủy sản. 

- Giảm bớt bùn ở đáy ao. 

- Giảm các vi khuẩn gây bệnh như: Vibrio spp, Aeromonas spp và các loại  virus khác như gây bệnh MBV, đốm trắng, đầu vàng…

- Hạn chế sử dụng hóa chất và kháng sinh cho tôm nuôi.

2.2. Tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh cho động vật thuỷ sản 

2.2.1. Khử trùng cơ thể động vật thuỷ sản

Ao đã được tẩy dọn sạch sẽ và sát trùng đáy ao, nước mới tháo vào ao cũng  đã lọc kỹ nhưng cá giống có thể mang mầm bệnh vào ao hồ. Do vậy nguồn cá tôm giống thả vào thuỷ vực cần tiến hành kiểm dịch, nếu có sinh vật gây bệnh ký sinh trên cơ thể cá tôm thì tuỳ theo kết quả kiểm tra mà chọn thuốc trị bệnh cho thích  hợp. 

Thường người ta dùng phương pháp tắm cho cá, tôm bằng các loại thuốc sau: 

- Muối ăn NaCl 2-4% (đối với nước ngọt) hoặc nước ngọt (đối với nước mặn) thời gian 5-10 phút.

- CuSO45H2O (phèn xanh) 2-5ppm thời gian 5-15 phút.

- Formalin 200-300ppm thời gian 30-60 phút.

hoặc phun xuống ao một trong các loại thuốc trên, nồng độ giảm đi 10 lần. Trộn một số kháng sinh, Vitamin, cây thuốc nam,... với thức ăn để phòng các bệnh nội ký sinh. 

2.2.2. Khử trùng thức ăn và nơi động vật thuỷ sản đến ăn

Đối với thức ăn là thực vật thuỷ sinh thượng đẳng dùng TCCA 0,5 ppm ngâm  trong 20 phút. Thức ăn là động vật nên rửa sạch và dùng thức ăn còn tươi, tốt nhất là nấu chín. Phân hữu cơ cần ủ với 1% vôi sau đó mới sử dụng. 

Xung quanh nơi cho động vật thuỷ sản ăn , thức ăn thừa thối rữa gây nhiễm  bẩn ,tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển. Do đó thức ăn thừa phải vớt bỏ , rửa sạch máng ăn và thường xuyên khử trùng địa điểm cho ăn.. Khử trùng nơi cá,  tôm đến ăn dùng loại thuốc nào hay số lượng nhiều ít còn tùy thuộc vào chất nước,  độ sâu, nhiệt độ nước, diện tích nơi cho cá, tôm ăn và tình hình phát sinh bệnh cá, tôm của cơ sở trong mấy năm gần đây. Tốt hơn hết thường xuyên dùng vôi nung hoặc TCCA treo 2-3 túi xung quanh chỗ cho ăn để tẩy trùng. Liều lượng 2-4 kg vôi nung/ túi hoặc 10-20g TCCA/ túi 

2.2.3 Khử trùng dụng cụ

Sinh vật gây bệnh có thể theo dụng cụ lây lan bệnh từ ao bể bị bệnh sang ao, bể cá, tôm khỏe. Vì vậy, dụng cụ của nghề nuôi nên dùng riêng biệt từng ao, bể. Nếu thiếu thì sau đó khi sử dụng xong phải có biện pháp khử trùng mới đem dùng cho ao, bể khác. 

Dụng cụ đánh bắt dụng cụ bằng gỗ, quần áo khi lội ao phải dùng dung dịch TCCA 20ppm để ngâm ít nhất 1 giờ và rửa sạch mới dùng. 

2.2.4. Dùng thuốc phòng ngừa trước mùa phát triển bệnh

Đại bộ phận các loại bệnh của cá tôm phát triển mạnh trong các mùa vụ nhất định, thường mạnh nhất vào mùa xuân đầu hè, mùa thu đối với miền Bắc, mùa mưa đối với miền Nam bệnh của cá tôm phát triển do đó phải có biện pháp dùng thuốc phòng ngừa dịch bệnh. hạn chế được tổn thất.

Dùng thuốc để phòng các bệnh ngoại ký sinh: Trước mùa phát sinh bệnh  dùng thuốc rắc khắp ao để phòng ngừa thường đạt kết quả tốt. Ngoài ra còn có thể  treo túi thuốc xung quanh nơi cho ăn hình thành một vùng khử trùng các sinh vật  gây bệnh, áp dụng theo mục 2.2.1; 3.2.; 3.3. 

Để đạt hiệu quả cao cần chú ý: Nồng độ thuốc xung quanh nơi cá, tôm ăn vừa  phải, nếu quá cao cá, tôm sẽ không đến ăn nhưng ngược lại nếu nồng độ quá thấp  cá, tôm đến ăn nhưng không tiêu diệt được sinh vật gây bệnh. Do đó sau khi treo túi thuốc cần theo dõi, nếu không thấy cá đến ăn chứng tỏ nồng độ quá cao cần giảm xuống hoặc bớt túi thuốc. 

Dùng thuốc phòng các bệnh nội ký sinh: Thuốc để phòng ngừa các loại bệnh bên trong cơ thể cá, tôm phải qua đường miệng vào ống tiêu hoá. Nhưng với cá tôm  không thể cưỡng bức nên trộn vào thức ăn để cho ăn tuỳ theo yêu cầu phòng ngừa từng loại bệnh mà tính số lượng thuốc. Số lần cho ăn và chọn loại thuốc nào cho thích hợp để có hiệu quả cao. Dùng thuốc để phòng ngừa các bệnh bên trong cơ thể cần lưu ý: 

- Thức ăn nên chọn loại cá tôm thích ăn, nghiền thành bột trộn thuốc vào, tùy theo tính ăn của cá, tôm mà chế tạo loại thức ăn nổi hay chìm. 

- Độ dính thích hợp, nếu ăn thức ăn ít độ dính thuốc vào nước sẽ tan ngay nhưng ngược lại độ dính quá cao thức ăn vào ruột chỉ dừng lại thời gian ngắn thuốc chưa kịp hấp thu đã bài tiết ra ngoài đều không có hiệu quả. 

- Kích thước thức ăn lớn nhỏ theo cỡ miệng bắt mồi của cá, tôm.

- Tính số lượng thức ăn cho chính xác, thường bỏ thức ăn xuống ao căn cứ  theo trọng lượng cá nên tính số lượng tất cả các loài, tôm có ăn cùng thức ăn đó  trong thuỷ vực. 

- Cho ăn số lượng ít hơn bình thường để ngày nào hết ngày đó sau đó tăng dần  nhất là cá bị bệnh đường ruột. 

2.2.5. Tiêu diệt vật chủ cuối cùng ở trên cạn. 

Một số sinh vật ký sinh giai đoạn vật chủ trung gian là động vật không xương sống thuỷ sinh và cá vật chủ cuối cùng là động vật trên cạn như chim, người và một số động vật có vú khác. Thường dùng các biện pháp săn bắn, phá tổ của chim ăn cá, săn bắt thú ăn cá. 

- Dọn sạch cỏ rác, san bằng quanh ao để không còn nơi ẩn nấp và để trứng.

- Xử lý nguồn phân hữu cơ theo đúng kỹ thuật trước khi bón xuống ao ương nuôi cá. 

- Không ăn cá sống.

2.3. Tăng cường sức đề kháng bệnh cho động vật thuỷ sản 

Nguyên nhân gây bệnh xâm nhập vào những cơ thể có phát sinh ra bệnh hay không còn tùy thuộc vào yếu tố môi trường và bản thân cơ thể vật chủ.

Nếu vật chủ có sức đề kháng tốt có khả năng chống đỡ lại yếu tố gây bệnh nên không mắc bệnh hoặc bệnh nhẹ. Ngược lại, khả năng chống đỡ yếu, dễ dàng nhiễm bệnh. 

Do đó, một trong những khâu quan trọng để phòng bệnh cho động vật thuỷ sản phải tăng cường sức đề kháng cho động vật thuỷ sản. 

2.3.1. Kiểm tra chất lượng và bệnh con giống động vật thuỷ sản trước khi thả

Các giống loài động vật thuỷ sản từ các nước nhập vào nước ta cũng như  động vật thuỷ sản của nước ta xuất ra nước ngoài. Cá, tôm chuyển từ vùng này qua vùng khác phải tiến hành kiểm dịch. Khi có bệnh phải dùng các biện pháp xử lý nghiêm túc để khỏi mang sinh vật gây bệnh vào nước ao cũng như nước ngoài hay từ địa phương này qua địa phương khác. Có một số động vật thuỷ sản khi bị bệnh sau khi thả ra nuôi trong các thuỷ vực mặt nước lớn sẽ lây lan bệnh mà không thể có biện pháp chữa trị hiệu quả. 

Chất lượng con giống phải thuần chủng, đồng đều về kích cỡ, không sây sát và không nhiễm những bệnh nguy trong quá trình nuôi. 

2.3.2. Cải tiến phương pháp quản lý, nuôi dưỡng động vật thuỷ sản

Thả ghép các loài cá và mật độ thả thích hợp

Trong kỹ thuật nuôi cá, người ta thường nuôi ghép nhiều loài cá và chọn mật độ thả tương đối dày để nâng cao sản lượng. Đứng về góc độ phòng bệnh cho cá, nếu trong cùng một thuỷ vực nuôi ghép nhiều loài cá tất nhiên mật độ của từng loài cá sẽ thưa hơn thuận lợi cho phòng bệnh đồng thời mỗi loài cá có khả năng miễn dịch đối với một số sinh vật gây bệnh nên điều kiện để phát sinh ra bệnh trong thủy vực ghép ít hơn ao nuôi chuyên một loài với mật độ dày. 

Như vậy, nuôi ghép nhiều loài cá vừa tận dụng được nguồn thức ăn, không gian sống rộng rãi lại phòng bệnh tốt. Tỷ lệ ghép và loài ghép không thích hợp sẽ gây ra hiện tượng tranh giành thức ăn cá sẽ bị gầy đi. 

Trong các thuỷ vực nuôi ghép, những loài cá nào và mật độ bao nhiêu căn cứ  vào độ sâu, chất nước, thức ăn, tính ăn của cá, việc chăm sóc, quản lý cũng như trang thiết bị. Nuôi mật độ quá dày, cá sống chật chội, cá bị bệnh có điều kiện thuận lợi  để lây lan cho cá khoẻ, cá sinh trưởng chậm, cá gầy yếu, sức đề kháng giảm, dễ nhiễm bệnh và gây ra chết hàng loạt. mùa hè dễ thiếu oxy làm cho cá chết ngạt.  Nhiều loại bệnh thường hay phát triển mạnh trong các ao ương cá mật độ dày, ao mực nước thấp. Mùa hè nhiệt độ cao, ương cá hương mật độ dày tỷ lệ hao hụt cao  do ký sinh trùng Trichodina ký sinh. Nếu nuôi mật độ quá dày phải thường xuyên sục khí và cho ăn đầy đủ đồng thời theo dõi môi trường và chăm sóc quản lý tốt. 

Nuôi luân canh các động vật thuỷ sản 

Trong một ao nuôi hay một khu vực nuôi động vật thuỷ sản quá trình nuôi đã  tích lũy nhiều chất thải và các mầm bệnh. Những chất thải và các mầm bệnh này sẽ  ảnh hưởng và gây bệnh cho các chu kỳ nuôi tiếp. Dựa vào các đặc tính mùa vụ của các đối tượng nuôi chúng ta có thể nuôi xen canh trên một ao nuôi, giúp cho các đối tượng nuôi mới không bị nhiễm những mầm bệnh của các chu kỳ nuôi trước và chúng có thể tiêu diệt được các mầm đó. Như một ao nuôi tôm nhiều vụ sẽ tích lũy nhiều mầm bệnh của tôm ở đáy ao, nếu chúng ta khi nuôi tôm tẩy dọn ao không sạch thì dễ dàng mắc bệnh. Nhưng sau một chu kỳ nuôi tôm, chúng ta nuôi cá rô phi  hay trồng rong câu, chúng có thể dọn và làm giảm các mầm bệnh trong đáy ao, vì những mầm bệnh virus ở tôm không gây bệnh cho cá rô phi và rong câu.  

Một ao nuôi baba nhiều vụ, dưới đáy ao sẽ tích lũy nhiều chất thải gây ô nhiễm, xuất hiện sinh vật bám đơn bào: Zoothamnium, Tokophrya, Epistylis... Sau chu kỳ nuôi baba chúng ta nuôi các loài cá ăn thức ăn là động vật, thực vật phù du  và sinh vật bám (mè, trôi, rô phi..), cá ăn các sinh vật bám thường gây bệnh cho baba  và cá ăn sinh vật phù du, kích thích sinh vật phù du phát triển sẽ lọc sạch dần môi  trường nước. ở những khu vực khí hậu thay đổi lớn như miền Bắc Việt Nam chúng  ta nên nuôi tôm sú ở các đầm nước lợ từ tháng 5 - 8, sau đó ta nuôi rô phi và mùa đông nuôi cua thì sẽ đảm bảo cho các đối tượng nuôi đều phát triển tốt và không nhiễm bệnh.

Bởi vì, tháng 5 - 8 thời tiết ấm và ổn định ta có thể nuôi tôm sú rất phù hợp. Từ tháng 8 - 11 thời tiết mưa nhiều, nắng nóng nên ta chỉ có thể nuôi rô phi chúng có thể chịu được và dọn các mầm bệnh của tôm thải ra. Mùa đông và mùa  xuân từ tháng 12 - 4 sang năm, cua có thể chịu đựng được nhiệt độ lạnh nên chúng  có thể sinh trưởng và không bị bệnh nắng nóng mùa hè.

Cho cá, tôm ăn theo phương pháp “4 định”

Thực hiện biện pháp kỹ thuật cho cá, tôm ăn theo “4 định”, cá tôm ít bệnh tật, nuôi  cá đạt năng suất cao:

- Định chất lượng thức ăn: Thức ăn dùng cho cá, tôm ăn phải tươi, sạch sẽ không  bị mốc meo, ôi thối, không có mầm bệnh và độc tố. Thành phần dinh dưỡng thích hợp đối với yêu cầu phát triển cơ thể cá trong các giai đoạn. 

- Định số lượng thức ăn: Dựa vào trọng lượng cá, tôm để tính lượng thức ăn, thường sau khi cho ăn từ 3 -4h cá tôm ăn hết là lượng vừa phải. Cá tôm ăn thừa nên vớt bỏ đi để tránh hiện tượng thức ăn phân huỷ làm ô nhiễm môi trường sống.

- Định vị trí để cho ăn: Muốn cho cá tôm ăn một nơi cố định cần tập cho cá tôm có  thói quen đến ăn tập trung tại một điểm nhất định. Cho cá tôm ăn theo vị trí vừa  tránh lãng phí thức ăn lại quan sát các hoạt động bắt mồi và trạng thái sinh lý sinh thái của cơ thể cá tôm. Ngoài ra để phòng bệnh cho cá tôm trước các mùa vụ phát sinh bệnh có thể treo các túi thuốc ở nơi cá tôm đến ăn, có thể tiêu diệt nguồn gốc  gây bệnh. 

- Định thời gian cho ăn: hàng ngày cho cá tôm ăn 2 lần. Ví dụ, như nuôi cá lồng, nuôi mật độ dày nên cho ăn nhiều lần hơn nhưng số lượng ít đi. Các cơ sở nuôi cá tôm thường dùng phân hữu cơ bón xuống thuỷ vực bổ sung chất dinh dưỡng để cho sinh vật phù du phát triển cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho cá tôm. 

- Phân bón phải ủ kỹ với 1% vôi nung và bón liều lượng thích hợp nếu không sẽ làm xấu môi trường nước ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể cá tôm. Thực hiện biện pháp kỹ thuật cho cá tôm ăn theo “4 định” tuỳ từng mùa vụ, chất nước, điều kiện môi trường và trạng thái cơ thể cá tôm mà có sự thay đổi cho thích hợp. 

Thường xuyên chăm sóc quản lý

Hàng ngày nên có chế độ thăm ao theo dõi hoạt động của cá để kịp thời phát hiện bệnh và xử lý ngay không cho bệnh phát triển và kéo dài. Cần quan sát biến đổi chất  nước, bổ sung nguồn nước mới đảm bảo đầy đủ oxy và hạn chế các chất độc. Để tạo môi trường cá sống sạch sẽ cần dọn sạch cỏ tạp, tiêu trừ địch hại và vật chủ trung gian, vớt bỏ xác sinh vật và cá chết, các thức ăn thừa thải, tiêu độc nơi cá đến ăn đề  hạn chế sinh vật gây bệnh sinh sản và lây truyền bệnh. 

Thao tác đánh bắt, vận chuyển nên nhẹ nhàng, tránh xây xát cho cá 

Trong nước luôn luôn tồn tại các sinh vật gây bệnh cho cá, vì vậy trong quá trình ương nuôi vận chuyển đánh bắt thao tác phải thật nhẹ nhàng nếu để cá bị thương là điều kiện thuận lợi cho sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.

2.3.3. Chọn giống cá tôm có sức đề kháng tốt

Qua thực tiễn sản xuất, thấy có hiện tượng một số ao nuôi cá bị bệnh, đa số cá trong ao bị chết nhưng có một số con có khả năng miễn dịch một số bệnh và sinh trưởng rất nhanh qua đó chứng tỏ sức đề kháng của cá trong cùng một giống cá có sự  sai khác rất lớn từ đó người ta đã lợi dụng đặc tính này chọn giống cá có sức đề kháng cao chống được bệnh. 

Dùng phương pháp đơn giản và dễ làm là gây sốc bằng Formalin để chọn đàn tôm giống khỏe và ít nhiễm bệnh. Thả 150-200 ấu trùng tôm vào dung dịch Formalin  50-100 ppm (50-100 ml Fomalin 36-38%/m3 nước) trong thời gian 1-2 giờ. Nếu tỷ lệ ấu trùng tôm sống sau khi sốc > 95% là đàn tôm giống khỏe ít nhiễm bệnh virus.  Khi nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh, tốt nhất nên kiểm tra tỷ lệ nhiễm các mầm  bệnh virus (MBV, đốm trắng) bằng phương pháp mô bệnh học và PCR.  

Chọn tôm bột (Postlarvae) có hình dạng bình thường, chuỳ, các phần phụ (râu, chân bơi, chân bò, đuôi) không gãy hoặc ăn mòn có màu đen. Tỷ lệ giữa độ dày ruột và độ dày cơ ở đốt bụng thứ 6 là 1:4 (độ dày của ruột bằng 1/4 độ dày của cơ), ruột tôm có thức ăn. Tôm bột khoẻ, đuôi có các sắc tố, các phần phụ đuôi mở rộng. Trạng thái của tôm bột khoẻ khi bơi cơ thể thẳng, phản ứng nhanh với tác động từ bên  ngoài, bơi chủ động ngược dòng khi khuấy nước. Khi dòng nước khuấy yên tĩnh, tôm có xu hướng bám vào thành chậu nhiều hơn bị nước cuốn vào giữa chậu. Tôm yếu hoạt động lờ đờ, phản ứng chậm, cơ thể cong dị hình và không đều. 

Chọn giống cá tôm miễn dịch tự nhiên

Cá sống trong các thuỷ vực tự nhiên cũng như trong ao nuôi có lúc xảy ra dịch  bệnh làm cho đa số cá có thể chết nhưng cũng có một số ít sống sót do bản thân có  khả năng sản sinh ra kháng thể có tác dụng chống lại tác nhân gây bệnh tạo được  tính miễn dịch. Người ta đưa số cá này nuôi và nhân đàn với mục đích tạo được giống cá nuôi có khả năng chống đỡ với bệnh tật. Teo Chalor Limsuwan (2000) đã đề xuất nên dùng tôm sú bố mẹ đánh bắt ở độ sâu 60-120m, kích thước từ 26-30cm,  chúng ít bị nhiễm bệnh đốm trắng (WSSV) hơn tôm đánh bắt ở vùng nước nông ven  bờ. 

Cho lai tạo để chọn giống khoẻ có sức đề kháng cao

Ứng dụng đặc tính di truyền miễn dịch của cá người ta tiến hành lai tạo để có giống cá mới, có sức đề kháng cao, chống đỡ các loại bệnh tật. Nước ta các nhà khoa học cho lai tạo các loại hình cá chép với nhau, cá chép Việt nam với cá chép Hung-ga-ri, cá chép Malaysia tạo giống cá chép V1 với con lai có sức đề kháng tốt hơn cá bố mẹ.  

Gây miễn dịch nhân tạo 

Người ta dùng vacxin tiêm, trộn vào thức ăn của cá, tôm làm cho cơ thể tạo ra được khả năng miễn dịch làm vô hiệu hoá tác nhân gây bệnh. Tiêm vacxin cho cá  không những có tác dụng phòng mà còn có tác dụng chữa bệnh. Cá sống trong môi trường khi bị nhiễm một loại bệnh nào đó có một quá trình dài được ủ bệnh nên cơ  thể cá có khả năng sản sinh ra kháng thể và kháng nguyên. Khi tiêm vào cá bị bệnh nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Đăng ngày 10/10/2022
Bùi Quang Tề @bui-quang-te
Dịch bệnh
Bình luận
avatar

So sánh giữa bệnh EHP và các bệnh khác trên tôm thẻ chân trắng

Người nuôi thường phải đối mặt với nhiều loại bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và năng suất của đàn tôm.

Tôm bị EHP
• 11:10 13/09/2024

Ao tôm bị nấm đồng tiền

Nấm đồng tiền là một loại nấm hại phổ biến trong ao nuôi tôm, gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe tôm và hiệu quả nuôi trồng. Đây là loại nấm phát triển trên bề mặt ao, hình thành các đốm tròn giống như đồng tiền. Khi nấm đồng tiền phát triển mạnh, chúng có thể ảnh hưởng lớn đến môi trường ao và tôm nuôi.

Nấm đồng tiền
• 10:00 04/09/2024

Quản lý nấm đồng tiền trong ao tôm

Kiểm soát và xử lý tình trạng nấm đồng tiền xuất hiện trong ao canh tác luôn là thách thức đối với người nuôi bởi không chỉ làm tôm bị bệnh, khiến chất lượng tôm suy giảm, nấm đồng tiền còn bám vào các thiết bị trong ao nuôi như quạt, vỉ ôxy,…gây khó khăn cho việc xử lí và khiến tôm nuôi mắc nhiều bệnh hơn.

Nấm đồng tiền
• 11:47 16/08/2024

Đại dịch phân trắng trên tôm thẻ chân trắng

Năm 2023, cả nước nuôi tôm nước lợ 737.000 ha, cơ bản không tăng so với năm 2022 (Diện tích tôm sú 622.000 ha, tôm thẻ chân trắng 115.000 ha).  Sản lượng 1.120.000 tấn (tăng 5,5% so với năm 2022), trong đó, tôm sú 274.000 tấn và tôm thẻ chân trắng hơn 845.000 tấn. Sản xuất tôm giống đạt khoảng 150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng 108 tỷ con; tôm sú: 42 tỷ con).

Ao tôm
• 11:00 15/08/2024

Khám phá các quốc gia nhập khẩu tôm Indonesia nhiều nhất

Tôm từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Indonesia, giúp quốc gia này khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nuôi tôm cùng hệ thống công nghệ hiện đại, tôm Indonesia đang ngày càng chiếm lĩnh thị phần lớn tại nhiều quốc gia.

Tôm thẻ
• 14:06 15/09/2024

Xuất khẩu thủy sản phục hồi và tăng tốc

Đầu tháng 9, giá cá tra và tôm tiếp tục đà tăng so với tuần trước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 tăng 20%, cả 8 tháng đã tăng khá ấn tượng và kỳ vọng tăng tốc những tháng cuối năm.

Chế biến tôm
• 14:06 15/09/2024

Bất lợi doanh nghiệp: Chi phí vận chuyển tăng - Nhu cầu giảm

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những biến động lớn, các doanh nghiệp thủy sản tại Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Theo báo cáo tài chính quý II, dù doanh thu của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, lợi nhuận lại không đạt kỳ vọng.

Tàu vận chuyển
• 14:06 15/09/2024

Sinh nhật Farmext eShop 3 tuổi - Chơi Minigame vui trúng quà thiệt - Ưu đãi sốc duy nhất 22/09

Đặc biệt hơn chương trình khuyến mãi hàng tháng khác, cuối tháng 9 này chính là sinh nhật lần thứ 3 của Farmext eShop. Nhằm tri ân khách hàng đã luôn tin tưởng, đồng hành và ủng hộ trong suốt 3 năm qua, eShop mở ra các chương trình hấp dẫn gồm Minigame và ưu đãi hot duy nhất ngày 22/09. Cùng tham gia ngay - Nhận quà ngất ngây nhé!

Farmext eShop
• 14:06 15/09/2024

So sánh giữa bệnh EHP và các bệnh khác trên tôm thẻ chân trắng

Người nuôi thường phải đối mặt với nhiều loại bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và năng suất của đàn tôm.

Tôm bị EHP
• 14:06 15/09/2024
Some text some message..