Theo thông tin từ Chi cục thú y tỉnh, diện tích tôm bị bệnh ở TP Vinh 2,55 ha/8 đầm; Quỳnh Lưu 4,9 ha/6 đầm và TX Hoàng Mai trên 2 ha. Kết quả quan trắc những vùng tôm bị bệnh đều phát hiện mầm bệnh đốm trắng trên hệ thống kênh cấp và kênh tiêu. Trong điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ, trời âm u thuận lợi cho vi rút phát triển gây bệnh mạnh.
Kiểm tra đầm nuôi tôm tại Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu. Ảnh: Thanh Lê
Đến nay, diện tích tôm bị bệnh của Quỳnh Lưu đã được các cơ quan chức năng phối hợp với địa phương khoanh vùng, khống chế kịp thời. Riêng vùng tôm mắc bệnh của xã Hưng Hòa, TP Vinh, ông Đặng Văn Minh, phó Chi cục thú y tỉnh cho biết: Những diện tích bị bệnh đều nuôi quảng canh, không nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm của tỉnh. Người dân không áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật liên quan đến vấn đề xử lý môi trường trước khi nuôi cả về độ mặn, độ PH, độ kiềm và ngưỡng quy định của các khí độc; giống tôm mua về không báo với cơ quan chức năng, không qua kiểm dịch. Vì thế, khi bệnh xảy ra, sẽ không được nhà nước hỗ trợ dập dịch.
Ông Trần Xuân Học, phó Chi cục NTTS tỉnh khuyến cáo: Hầu như năm nào dịch bệnh đốm trắng cũng xảy ra trên diện tích tôm mới thả. Năm nay, diện tích bị bệnh chưa nhiều và đã được khoanh vùng, xử lý kịp thời nên người nuôi tôm không nên hoang mang.
Trên những diện tích tôm đã thả, cần quản lý tốt môi trường nuôi, các yếu tố môi trường phải đảm bảo nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi như hiện nay. Có giải pháp ngăn chặn vật chủ như cua, còng mang mầm bệnh vào ao nuôi. Riêng những ao đầm chưa thả, việc lấy nước và xử lý nước khi vào nuôi phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật. Chọn mua giống tôm phải báo cơ quan chức năng, qua kiểm dịch, đảm bảo tôm thả sạch bệnh.