Cá gầy, ốm, thường nuôi thời gian kéo dài, tăng trưởng chậm, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh, khó khăn trong điều trị bệnh. Cá phân đàn, thân hình thô ráp, suông dài, FCR cao.
Nguyên nhân cá gầy, ốm
Qua khảo sát thực tế các mô hình nuôi của bà con, chúng tôi nhận thấy tập trung các vấn đề liên quan như con giống và chất lượng giống, mật độ thả nuôi, mức độ tương xứng giữa mật độ thả với mô hình và điều kiện môi trường, thức ăn, hàm lượng đạm theo giai đoạn phát triển, thời gian nuôi và dinh dưỡng bổ sung, thông số môi trường nước ao nuôi, công tác phòng bệnh và các vấn đề liên quan dịch bệnh, sử dụng thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.
Việc sử dụng bầy giống sinh sản nhiều lần, sử dụng cá bố mẹ có cùng nguồn gốc, cùng huyết thống, hoặc bà con mua cá bố mẹ từ những nơi gần nhau về mặt địa lý như đã nói qua nhiều chuyên đề, để lại nhiều hệ lụy tiêu cực. Bầy cá con sinh ra dễ dị hình, dị tật, khi nuôi chậm lớn, cá nuôi dễ phân đàn, cá nuôi đến thương phẩm thường gầy, ốm, tăng trưởng chậm, sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh, khó điều trị dứt điểm bệnh. Mặt khác, chế độ nuôi vỗ bầy cá bố mẹ cũng quyết định đến chất lượng bầy cá con. Bà con không quan tâm đến giai đoạn nuôi vỗ, hoặc chăm sóc kém trong giai đoạn nuôi vỗ, cho cá ăn thức ăn thiếu đạm, thức ăn đạm thấp, thiếu các vitamin, đặc biệt là vitamin E, B2, B6.
Cá bố mẹ là yếu tố quyết định cho chất lượng bầy cá nuôi. Ảnh: nongnghiep.vn
Những hạn chế do giống, là kết quả của việc chọn lựa cá bố mẹ không hợp lý đã đề cập trên. Chênh nhau giữa mật độ thả nuôi, mô hình và điều kiện môi trường. Bà con thường thả nuôi mật độ dày ≥ 100 con/m2, trong điều kiện ao khó thay nước, chất lượng nguồn nước không tốt, cá nuôi tăng trưởng chậm, gầy yếu, dễ nhiễm bệnh. Thả nuôi dày, không gian di chuyển hẹp, các vận động kém, nên khó khăn trong tìm thức ăn, tranh giành thức ăn, khó khăn trong tiêu hoá, hấp thu thức ăn. Cùng với con giống, thức ăn, phân bổ hàm lượng đạm hợp lý theo giai đoạn phát triển, theo thời gian nuôi và dinh dưỡng bổ sung…là yếu tố quan trọng, tác động, ảnh hưởng đến độ mập, béo, dày mình của cá nuôi.
Sử dụng thức ăn tự nhiên, tự chế kéo dài trong giai đoạn ương cá bột, cá hương, gây thiếu thức ăn, thiếu thành phần dinh dưỡng quan trọng cần cho sự phát triển đồng đều phần xương, cơ thịt cá, làm cá gầy, ốm trong quá nuôi cá thịt. Trong quá trình nuôi cá thương phẩm, sử dụng hàm lượng đạm thấp dưới nhu cầu, không phù hợp mật độ nuôi, không phù hợp giai đoạn phát triển, không phù hợp đặc tính sinh học dinh dưỡng của loài cá theo tính ăn.
Cho cá ăn thức ăn từ tự nhiên
Mặt khác, theo diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, nguồn nước nuôi ngày càng ô nhiễm, người nuôi cần định lượng đủ thức ăn theo nhu cầu thực tế cá nuôi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng như các Vitamin, Acid amine, Acid béo, Enzyme, men vi sinh…là những thành tố quyết định khả năng tiêu hoá, và tính hiệu quả của quá trình hấp thu triệt để dinh dưỡng từ thức ăn. Nói cách khác, trong quá trình nuôi cá thương phẩm, bà con không chủ động bổ sung những chất trên, cá nuôi thường gầy, ốm, phân đàn, tăng trưởng chậm.
Thông số môi trường nước ao nuôi, là yếu tố tiếp theo tác động, gây ảnh hưởng, làm cá gầy, ốm. Các loại khí độc như NH3, H2S, NO2, kim loại nặng, phèn, tăng cao do bản chất nguồn nước, do quá trình cho cá ăn gây dư thừa thức ăn, tảo phát triển dày đặc gây hoa nước, đáy ao tích lũy nhiều chất hữu cơ, ảnh hưởng đến vận chuyển oxy của máu. Rõ ràng nhất như bệnh “máu nâu – brown blood” do nồng độ NO2 trong nước ao nuôi cao. NO2 là một sản phẩm của sự phân hủy NH3 trong chu trình nitơ bằng vi khuẩn. Hemoglobin vận chuyển oxy trong máu, khi kết hợp với NO2 tạo thành Methemoglobin, không có khả năng vận chuyển oxy. Máu nâu không thể mang đủ lượng oxy đáp ứng đủ cho cá hô hấp, cá bị ảnh hưởng có thể gây ngạt thở. Cá gầy, ốm, tăng trưởng chậm, hao hụt lớn. Mặt khác, khi tảo phát triển, pH trong ao thường xuyên biến động, gây sốc cho cá nuôi. Các loài tảo độc như tảo lam, tảo mắt…phát triển dày đặc, tiết ra khí độc, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, phát triển, tăng trưởng, độ mập, ốm, cá nuôi.
Các yếu tố môi trường sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cá nuôi
Nguồn nước ô nhiễm, xử lý không triệt để trong quá trình lấy nước vào ao nuôi. Mầm bệnh như vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm…có điều kiện xâm nhập vào ao nuôi, phát triển số lượng, hoàn tất vòng đời, trực tiếp tấn công cá nuôi. Ngoài việc gây bệnh, còn làm cá nuôi gầy, ốm, chậm tăng trưởng, phát triển kém. Công tác phòng bệnh, khả năng đề kháng và các vấn đề liên quan dịch bệnh ảnh hưởng đến độ mập, ốm, cá nuôi. Phòng bệnh là sự kết hợp nhiều công đoạn, nhiều yếu tố, mục đích sau cùng là tăng sức đề kháng cá nuôi. Phòng bệnh từ khâu chuẩn bị ao hồ, tu sửa bờ, cống, sên vét bùn đáy, bón vôi và phơi ao, lấy nước, lắng lọc và xử lý nước bằng các loại hoá chất. Bón phân, tạo màu nước, gây nuôi thức ăn tự nhiên, sẵn sàng khi thả giống.
Biện pháp khắc phục
Chọn bầy cá giống thả nuôi, hạn chế tối đa các vấn đề liên quan con giống chúng tôi đã phân tích phần trên.
Bố trí mật độ thả nuôi tương xứng điều kiện mô hình về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, mùa vụ, kỹ thuật vận hành trại. Bà con nên tập cho cá con sử dụng sớm thức ăn công nghiệp, ngay từ giai đoạn ương cá bột, cá hương.
Thức ăn công nghiệp bổ sung đầy đủ thành phần dinh dưỡng cho cá như đạm, vitamin, khoáng chất…quyết định đến chất lượng cá giống, cá nuôi thương phẩm. Thức ăn công nghiệp đảm bảo cá nuôi phát triển đồng đều giữa các cá thể trong ao, hài hoà giữa phần thịt, cơ, khung xương cá. Thức ăn công nghiệp đảm bảo cá tích luỹ cơ thịt, chất béo, năng lượng…cá tăng trưởng tốt, mau lớn.
Để đảm bảo cá phát triển ổn đinh, người nuôi cần áp dụng đúng kỹ thuật nuôi
Mặt khác, do nuôi mật độ cao, khi cho cá ăn, bà con cần bổ xung thêm các chất dinh dưỡng như các loại Enzyme, Acid amine, chất hỗ trợ gan, Beta glucan, Acid hữu cơ…
Do hiện nay, bà con thả nuôi cá mật độ cao, thời tiết thay đổi bất thường, môi trường luôn biến động, pH, oxy thường xuyên thay đổi, khí độc luôn tăng cao. Bà con cần chủ động sử dụng các loại vôi, zeolite, yucca, chế phẩm sinh học cải thiện chất lượng nước, nền đáy… Điều tiết, bình ổn môi trường, giảm thiểu khí độc, ổn định pH, O2. Chủ động sổ ký sinh trùng định kỳ, diệt khuẩn sau khi sổ ký sinh trùng, tăng cường bồi bổ sức khỏe cá, bổ xung hỗ trợ gan, B12… sau khi sổ ký sinh. Cá nuôi phát triển thân hình cân đối giữa chiều dài thân và chiều ngang cơ thể, cá mập gáy, mình dày, thân dài, cá khoẻ mạnh, sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống cao. Thực hiện đầy đủ, đúng, các vấn đề chúng tôi đã trao đổi trên, tỷ lệ cá gù, cá ốm thấp ≤ 8 %.