Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), cho rằng nhìn trên lý thuyết, xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng tương ứng với tỷ lệ phần trăm (%) phá giá đồng nhân tệ của họ.
Tuy nhiên, theo ông Kịch, trên thực tế, sau khoảng một tuần đồng nhân dân tệ giảm giá, nhịp độ xuất khẩu hàng nông, thủy sản của doanh nghiệp trong nước sang quốc gia này vẫn khá ổn định.
Lý giải nguyên nhân, theo ông Kịch, với mức phá giá đồng nhân dân tệ chỉ vài phần trăm, không phải là quá lớn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng nông, thủy sản của Trung Quốc là rất lớn, cho nên nhu cầu nhập khẩu của họ vẫn được duy trì.
Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online: “Vậy tại sao khi đồng euro mất giá, xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam vào thị trường EU lại gặp khó khăn?”, ông Kịch của Cafatex cho rằng với trường hợp của EU, đồng euro mất giá so với đô la Mỹ đến 25-30%, trong khi đô la Mỹ lại là đồng tiền chính dùng thanh toán các hợp đồng mua bán. “Do đó, để đảm bảo hàng hóa mua về được tiêu thụ tốt, các nhà nhập khẩu của EU đã yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu trong nước giảm giá bán xuống. Tuy nhiên, nếu giảm 3-4% còn chấp nhận được, chứ giảm đến cả chục phần trăm thì doanh nghiệp xuất khẩu không còn lãi nữa, cho nên gặp khó khăn là vậy”, ông giải thích.
Trở lại câu chuyện xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang) cũng khẳng định: “Đồng nhân dân tệ mất giá so với đô la Mỹ nói chung không có tác động gì nhiều đến xuất khẩu nông, thủy sản vào Trung Quốc cả”.
Theo ông Đạo, do đặc thù mua bán với Trung Quốc là buôn bán tiểu ngạch, cho nên hình thức thanh toán cũng chủ yếu bằng đồng Việt Nam nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Phía nhập khẩu cũng chưa thấy có động thái giảm mua vì nhân dân tệ mất giá.
Còn ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp), cho biết so với thời điểm trước khi Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ, xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp sang thị trường này vẫn diễn ra bình thường với nhịp độ 2-3 container/tuần.
Theo ông Hùng, hình thức mua bán của doanh nghiệp ông với Trung Quốc là: sau khi nhận 20-30% tiền đặt cọc, doanh nghiệp ông sẽ sản xuất hàng theo yêu cầu của phía đối tác và giao hàng sau khi họ thanh toán tiền đủ 100% hợp đồng. “Thông thường, đối tác Trung Quốc thanh toán tiền hàng bằng đồng Việt Nam ngay trong lãnh thổ chúng ta nên cũng không có vấn đề gì khó khăn”, ông nói.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, Trung Quốc hiện đang là thị trường nhập khẩu chính đối với nhiều loại mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với mặt hàng gạo, sáu tháng đầu năm 2015, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 38,1%. Cùng với Malaysia và Ấn Độ, Trung Quốc cũng là một trong ba quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, với tỉ trọng của ba thị trường này chiếm đến 72,4% lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia nằm trong tóp dẫn đầu về nhập khẩu điều, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. “Riêng sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính và chiếm đến 89,36% lượng xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2015, tăng 53,47% về khối lượng và tăng 46,15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014”, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.