Đó là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử sau chuyến khảo sát thực tế tình hình nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện Năm Căn ngày 22/1.
Đoàn do Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử dẫn đầu đã đến khảo sát nhiều mô hình sản xuất tại các xã: Lâm Hải, Hàm Rồng và Hàng Vịnh. Trong năm 2018, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng. Tiêu biểu như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh. Nếu cuối năm 2017, trên địa bàn huyện chỉ có 81,03 ha với 77 hộ nuôi thì đến nay đã lên đến 182,84 ha với 178 hộ nuôi. Hay như mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến từ 4.507 ha cuối năm 2017 thì đến nay đã lên 7.245 ha; mô hình nuôi tôm QCCT ít thay nước đến nay có 253 ha so với 147 ha cuối năm 2017; mô hình nuôi tôm sú QCCT 2 giai đoạn từ 10 ha cách đây một năm đã lên con số 672 ha.
Ngoài ra, một số mô hình nuôi kết hợp khác cũng đã được tổ chức nhân rộng khá nhanh như: nuôi tôm – sò huyết đến nay đạt 1.704 ha so với 1.449 ha cuối năm 2017; nuôi tôm – vọp đạt 169 ha; chuyên cua hiện có 11,6 ha; nuôi tôm tít hiện toàn huyện có 57 ha so với 8 ha cuối năm 2017…
Sau khảo sát thực tế, ông Mã Huy, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh Cà Mau đánh giá, trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật của người dân tương đối cao. Đặc biệt là mô hình nuôi cua hiện nay rất hiệu quả, có nhiều nơi đã thành lập được tổ hợp tác, HTX để xuất bán trực tiếp sang nước ngoài và các tỉnh lân cận.
Mặc dù đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng nhanh, thế nhưng theo nhận định vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đa số người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi đối tượng nuôi, loại hình nuôi, chỉ sản xuất dựa vào tập quán canh tác truyền thống. Một số hộ muốn chuyển đổi thì lại không có vốn, không có lao động chính, diện tích nhỏ nên khi thực hiện mô hình nào đó thì không có thu nhập khác để "lấy ngắn nuôi dài"…
Sau buổi khảo sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo, trong xây dựng kế hoạch phải được tiến hành hai chiều, tức trên cơ sở đề xuất từ nhu cầu của người dân mới xây dựng kế hoạch và từ đó triển khai thực hiện. Chỉ có cách làm này mới nắm được có bao nhiêu hộ nuôi con gì, trồng cây gì, từ đó mới có kế hoạch hỗ trợ người dân từ khâu giống cho đến kỹ thuật và cả việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để làm được việc này đòi hỏi các ngành, đoàn thể phải vào cuộc, phải có sự thống nhất từ trên xuống. Đồng thời, phải cập nhật hoàn thiện mô hình, không để sót mô hình hiệu quả. Cần có giải pháp huy động vốn từ nhiều nguồn chứ không chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Sở NN&PTNT phải có hướng dẫn vấn đề này cho huyện và xã trong thực hiện. Phải có sự chỉ đạo chặt chẽ giữa các ngành chức năng và đoàn thể trong thực hiện nhân rộng mô hình.