Xuất khẩu cá ngừ tươi sang Nhật Bản 2011 (Nguồn: VASEP)
Thời điểm tiêu thụ chính ở Nhật Bản là cuối năm (tháng 11) giá cá ngừ để chế biến sashimi đạt mức cao nhất. Chính vì thế, khối lượng và giá trị nhập khẩu cá ngừ tươi vào Nhật Bản thường tăng đột biến vào thời điểm này.
Theo Bộ Tài Chính Nhật Bản, năm 2011 nước này tiêu thụ khoảng 270 ngàn tấn cá ngừ, tương đương 1,4 tỷ yên, trong đó trung bình nhập khẩu hơn 2 ngàn tấn cá ngừ tươi và hơn 15 ngàn tấn cá ngừ đông lạnh mỗi tháng. Với con số này, có thể nói Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới.
Hiện tại, để đối phó tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá ngừ vây xanh, Nhật Bản đã tăng cường nhập khẩu cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng từ các nước. Năm 2011, Nhật Bản nhập khẩu hơn 12.000 tấn cá ngừ mắt to tươi, tương đương 130.735 USD, trong đó 5 nước xuất khẩu cá ngừ mắt to nhiều nhất vào Nhật Bản là Inđônêxia (72.123 USD, chiếm 55%), Palau (9.736 USD, bằng 7,4%), Xri Lanka (8.801 USD, bằng 6,7%), Việt Nam (7.929 USD, bằng 5,2%), Thái Lan (3.864 USD, bằng 3,2%).
Bên cạnh đó, năm qua Nhật Bản cũng nhập khẩu hơn 13.600 tấn cá ngừ vây vàng tươi, tương đương 140.250 USD, nhiều nhất từ Inđônêxia (49.626 USD, chiếm 35,3%), Thái Lan (21.042 USD, bằng 15%), Đài Loan (12.217 USD, bằng 8,7%), Xri Lanka (9.924 USD, bằng 7%), Ôxtrâylia (9.362 USD, bằng 6,7%). Việt Nam đứng thứ 6 trong 6 nước xuất khẩu lớn nhất cá ngừ tươi sang thị trường này, đạt 7.742 USD, chiếm 5,5%.
Với những con số nêu trên, có thể nói xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng có xu hướng khả quan. Tuy nhiên, để có một kết quả xuất khẩu cá ngừ tốt nhất sang thị trường đầy tiềm năng này vẫn rất cần sự chủ động nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong các khâu sản xuất, chế biến xuất khẩu, sự hỗ trợ hiệu quả về chính sách đầu tư của các cơ quan nhà nước liên quan, đặc biệt là việc tích cực triển khai tiếp các bước đi nhằm phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương ở nước ta.