Theo một số người có kinh nghiệm thì cách làm tôm chua Huế không cầu kỳ nhưng kỹ. Điều quan trọng là tôm phải tươi sống, nếu chọn được con tôm sống ở vùng phá Tam Giang hay đầm Cầu Hai thì món ăn càng ngon hơn. Tất cả các bước thực hiện phải theo thứ tự đúng công thức. Các gia vị đi kèm để biến con tôm thành món tôm chua đúng điệu phải có đủ bộ như riềng, gạo nếp, muối, tỏi, đường đều phải đúng liều lượng cần thiết.
Dù có hương vị khác biệt với các loại mắm của miền Trung vốn luôn rất mặn, nhưng tôm chua cũng là một loại mắm nên khi ăn không chỉ đơn độc tôm chua mà còn phải có các món đi kèm như thịt ba chỉ luộc thái mỏng; rau sống kèm chuối chát, vả, khế, dưa leo...
Nói như người Huế, có đủ bộ rồi ăn sao cũng được. Có thể là một nồi cơm nóng xới lên rồi đơm ra từng chén, nếu ai vội vàng vì bụng đói thì ngồi chồm hổm dưới nền nhà, gắp thịt luộc kèm dưa rau chấm với tôm chua và cứ thế mà ăn đến no bụng mà dạ vẫn còn thèm. Cũng có thể ăm tôm chua với bún tươi theo kiểu trộn cả mắm tôm chua thịt ba chỉ rau dưa vào trong tô bún rồi và rồi lua tới tấp mà vẫn cảm được vị ngon. Nếu thích thì cuốn bánh tráng với thịt rau rồi chấm tôm chua càng ngon.
Mấy chục năm trôi qua đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ nguyện vẹn hương vị ngon lành của vị tôm chua trong những bữa ăn lúc mình đang là sinh viên trọ học trên đất Huế. Đó là những bữa cơm nằm lòng ở nhà người quen mình trọ học, những bữa liên hoan với cả bạn bè hoặc những dĩa cơm bụi chỉ có độc món thịt luộc tôm chua tại quán cơm Bà Chủ trên đường Đội Cung… Tất cả đều nguyên vẹn trong ký ức như mới ngày hôm qua.