Nhớ vị mắm miền Tây

Sài Gòn trở lạnh! Cơn mưa chiều rả rích làm bao ký ức chợt ùa về. Những đứa con miền Tây xa xứ lại nhớ quê, nhớ những món ăn dân dã chốn quê nhà, nhất là hương vị mặn nồng của mắm.

Nhớ vị mắm miền Tây
Mắm là đặc trưng của Nam bộ. Mắm sống mang tất cả hương vị tự nhiên, là món ăn dân dã của miền sông nước

Bình dị mắm sống

Với nhiều người, mắm sống trộn tỏi, ớt, chanh,... có thể là món ăn lạ, nhưng với người dân miền sông nước, nó khá quen thuộc. Để rồi, khi đi xa, người dân miền Tây cứ nhớ mãi hương vị thơm lừng, mặn nồng của mắm. “Con cá làm nên con mắm. Vợ chồng nghèo thương lắm, mình ơi!” - vị mắm miền Tây còn là nghĩa vợ chồng, tình cảm của người dân quê.

Quê tôi chẳng phải “thủ phủ” của các loại mắm như vùng Châu Đốc, An Giang, nhưng mắm linh sống trộn tỏi, ớt cũng là món ăn quen thuộc, ký ức tuổi thơ. Tôi nhớ, vào khoảng tháng 9 (âm lịch) trở đi, con nước đổ về trắng xóa những cánh đồng trước nhà, mang theo nhiều loại cá. Cha lại dong thuyền ra đồng thả lưới, giăng câu. Chiều về, mẹ loay hoay làm cá, chế biến món cá kho, cá nấu canh chua,... Có hôm cá nhiều, mẹ mang ra chợ bán. Hồi ấy, nhà còn nghèo nên mẹ không quên lấy một ít cá linh, cá sặt, cá rô,... làm mắm để dành. Hình ảnh mẹ cặm cụi làm từng con cá để muối mắm khiến tôi nhớ mãi. Chị em tôi khi đó còn nhỏ, chỉ biết nhìn mẹ làm mà chưa phụ giúp được gì. Cá linh làm sạch được xếp vào hũ sành, cứ một lớp cá rải một lớp muối rồi gài phía trên bằng tấm nan tre. 

Sau một thời gian, mẹ giở hũ mắm, gắp từng con cho vào chén tỏi, ớt đã giã và vắt thêm chanh. Cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc mà ai cũng tấm tắc khen ngon. Chén cơm trắng ăn với mắm linh làm nên bữa ăn dân dã, đậm đà hương vị miền quê. Hương thơm, vị mặn nồng của mắm thật khó quên! Điều này cũng tạo nên văn hóa ẩm thực của người miền Tây - không cầu kỳ, câu nệ cũng như tính cách phóng khoáng, hào sảng của những người dân miền sông nước.

Đậm đà mắm kho

Giữa Sài Gòn tấp nập, đôi lần chợt nhớ nồi mắm kho của mẹ, những người xa quê ước ao được trở về để thưởng thức món ăn dân dã ấy. 

Mắm kho mang hương vị đặc trưng bởi sự kết hợp hài hòa của nhiều loại nguyên liệu, trong đó, mắm vẫn là chủ đạo. Mẹ thường dùng mắm sặt và mắm linh để chế biến mắm kho. Mắm được cho vào nồi, đổ ngập nước và nấu sôi đến khi rục. Thịt ba chỉ xào cùng sả băm cho săn, sau đó cho cá hú vào chiên sơ với vài trái ớt. Phần mắm được lọc bỏ xương, đổ vào chảo thịt và cá, nấu sôi và nêm nếm vừa ăn. Mắm kho sẽ đơn điệu nếu thiếu cà tím, đậu bắp, cuối cùng cho thêm hành, tỏi phi vàng làm nên nồi mắm kho sền sệt, thơm lừng mùi sả, ớt, mắm cùng vị đậm đà hấp dẫn. 

Mùi vị mắm kho sẽ thật trọn vẹn khi ăn cùng cơm trắng và một số loại rau như hẹ nước, bông súng,... Sự đậm đà của mắm, béo ngọt của cá, thịt ba chỉ, độ giòn của bông súng,... cùng hòa quyện tạo nên đặc sản đồng quê, làm say lòng thực khách. Để rồi, “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm”. Món ăn tuy dân dã, đơn sơ nhưng lại là sự tinh tế, cái hồn người dân Đồng Tháp Mười vốn hiền hòa, mến khách. 

Lẩu mắm - “bản hòa tấu” hương đồng gió nội

Nếu mắm sống, mắm kho là những món ăn dân dã thì lẩu mắm được ví như “bản hòa tấu” hương đồng gió nội. Tuy là món ăn cầu kỳ, được biến tấu từ bún mắm nhưng lẩu mắm vẫn mang dấu ấn phong cách phóng khoáng, hào sảng của người miền Nam. Ngoài “linh hồn” là nước lẩu ninh từ xương heo và mắm sặt, mắm linh, người nấu còn cho tôm, cá,... - những sản vật miền sông nước vào lẩu mắm cùng cà tím, khổ qua, đậu bắp. Rau ăn kèm lẩu mắm khá đa dạng như bông điên điển, hẹ nước, bắp chuối, rau muống, bông súng,... Tất cả vị ngọt, chát, cay cùng hòa quyện vào sự đậm đà của nước lẩu, tạo nên hương vị đặc trưng.

ẩm thực miền tây, thủy sản

Lẩu mắm được ví như “bản hòa tấu” bởi sự kết hợp tinh tế, hài hòa giữa nhiều loại nguyên liệu hương đồng gió nội. “Bản hòa tấu” ấy níu hồn bao thực khách. Ảnh: internet

“Bản hòa tấu” ấy níu hồn bao người xa quê. Để rồi, trong chiều mưa rả rích, nỗi nhớ quê, nhớ hương vị đậm chất miền Tây lại càng da diết. Sẽ thật thú vị khi cả nhà quây quần bên nổi lẩu mắm nghi ngút khói, dậy mùi thơm. Lẩu mắm sôi đến đâu, các loại rau ăn kèm được cho vào đến đó để giữ được vị tự nhiên. Khi gắp những đũa rau, húp nước lẩu thơm lừng mùi mắm, tỏi, sả băm ăn cùng bún tươi, vị đậm đà sẽ thấm dần. Vì vậy, nhiều người thường nói “Ăn mắm thấm về lâu” là như thế!

Miền Tây sông nước được thiên nhiên ban tặng tôm cá đầy sông, cây trái trĩu cành. Các món mắm cũng bắt nguồn từ đó, trở thành một trong những món đặc trưng, gắn liền với văn hóa ẩm thực của miền Tây Nam bộ. Vị mặn nồng của mắm cũng là nỗi nhớ, niềm thương của những người xa quê; là “khúc dân ca” bình dị, ngọt ngào níu hồn bao thực khách khi thưởng thức mắm miền Tây.

Báo Long An
Đăng ngày 17/12/2018
Thùy Vy
Ẩm thực

Cơn sốt mang tên “Nuốc” Huế - Dân tình đổ xô đi mua về ăn

Nuốc Huế bỗng dưng "gây sốt" trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Nhiều video review món nuốc thu hút hàng triệu lượt xem, khiến nhiều người tò mò và muốn thử trải nghiệm

Con nuốc Huế
• 10:06 17/04/2024

Cá chét - Loài cá đầy chất dinh dưỡng cho sức khỏe

Được mệnh danh là đệ nhất hải sản biển, cá chét sống ở vùng nước mặn và là một phần không thể thiếu trong ẩm thực cá biển. Cá chét là một loại hải sản hảo hạng, được biết đến với chất thịt ngon và là một trong những loại cá mang đầy giá trị dinh dưỡng cao cho sức khỏe.

Cá chét
• 10:22 11/04/2024

Hương vị ốc ruốc

Tại Bình Định, thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba (âm lịch) là thời điểm nhiều người đổ về các vùng biển để cào ốc ruốc. Ốc ruốc có kích thước bằng đồng đều hạt cúc áo, đủ màu sắc, khá xinh xắn, khi ăn xong có nhiều người gom vỏ ốc để kết thành rèm cửa, xâu chuỗi đeo tay…

Ốc ruốc
• 11:00 26/03/2024

Vào mùa cá dìa Bình Định với các món ngon

Tại tỉnh Bình Định, Cá Dìa bông (Siganus guttatus, Bloch 1787) là loài cá nước lợ - mặn, có giá trị kinh tế khá cao. Khi còn nhỏ, cá sống chủ yếu ở vùng đầm phá, cửa sông; lúc trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô... để sinh sản.

Cá dìa
• 10:10 13/03/2024

Bảo hiểm nuôi trồng thủy sản

Bảo hiểm nuôi trồng thủy sản là thỏa thuận giữa người nuôi, trồng thủy sản và công ty bảo hiểm, trong trường hợp xảy ra tổn thất/thiệt hại với thủy sản do sự cố/rủi ro cụ thể được xác định trước khi bắt đầu tham gia bảo hiểm, công ty bảo hiểm đồng ý bồi thường một khoản tiền nhất định cho nông dân đã mua bảo hiểm cho loại thủy sản đó.

Ao tôm
• 11:09 19/04/2024

Ép khuẩn và diệt khuẩn cho ao nuôi tôm

Trong môi trường ao nuôi, vi khuẩn luôn có khả năng xuất hiện mặc dù đã xử lý cẩn thận từ đầu vụ nuôi. Chúng xuất hiện và tấn công tôm gây nên một số bệnh khó điều trị, từ đó tôm mất sức đề kháng dẫn đến chết. Chính vì vậy vấn đề diệt khuẩn luôn được bà con quan tâm đến. Diệt khuẩn như thế nào là đúng cách để không ảnh hưởng đến tôm, mời bà con tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Tôm thẻ
• 11:09 19/04/2024

Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 04/4/2024 về Kế hoạch Chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2030, Kế hoạch này do Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển triển khai thực hiện.

Tàu thuyền
• 11:09 19/04/2024

Thực hư ăn Nuốc Huế có an toàn cho sức khỏe?

Con nuốc là một loại nhuyễn thể thân mềm, có hình dạng giống như chiếc ô hoặc chiếc chuông. Chúng thường sống ở vùng nước lợ hoặc nước mặn ven biển. Nuốc được nhiều người ưa chuộng bởi hương vị dai giòn, thanh mát và có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon,...

Con nuốc Huế
• 11:09 19/04/2024

Tăng giá trị con tôm bằng cách nâng cao chất lượng tôm

Nuôi tôm là một trong những ngành kinh tế đóng góp quan trọng cho nền kinh tế nước ta, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng ngành nuôi tôm cũng đối mặt với hàng loạt khó khăn và thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, và chi phí sản xuất cao.

Tôm thẻ
• 11:09 19/04/2024