Những "bà đỡ" giữa trùng khơi

Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn (thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) đã cứu hộ, thả về rừng hàng trăm cá thể động vật hoang dã, quý hiếm sau khi chúng được kiểm tra sức khỏe, chăm sóc và phục hồi bản năng hoang dã. Hiện, Trung tâm có đội ngũ cán bộ, nhân viên được duy trì từ 5-7 người, nhưng công việc cần phải giải quyết có thể lên đến một "núi"…

cứu hộ động vật hoang dã
Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn chăm sóc một cá thể chim diều hoa.

Đảo Ba Mùn nằm cách bờ biển xã Minh Châu (huyện Vân Đồn) khoảng 2km, là một trong những đảo lớn của Vườn quốc gia Bái Tử Long (QGBTL). Đảo có diện tích hơn 2.000ha, là nơi "cư trú" của nhiều cá thể động vật quý hiếm như trăn gấm, báo lửa, khỉ vàng, tê tê, tắc kè...

Do sở hữu hệ thực vật vô cùng phong phú, đa dạng với gần 800 loài, trong đó có những loài gỗ quý như lim xanh, táu mật, kim giao núi đất, đảo Ba Mùn được coi là khu bảo tồn động vật hoang dã tự nhiên lớn nhất ở vùng Đông Bắc Việt Nam.

Đến đảo Ba Mùn bằng xuồng cao tốc của "Sở chỉ huy" Vườn QGBTL vào một ngày đầu hạ, trong tiếng gió lao xao trên những tán cây, tôi nghe rất rõ tiếng chíu chít của những bầy khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ.

Có lẽ, với những người mới đến Ba Mùn, tiếng kêu bất kể giờ giấc của bọn khỉ sẽ gây ra cảm giác khó chịu, nhưng giữa trùng khơi, quanh năm làm bạn với cây cỏ, chim muông, ngày nào mà vắng tiếng kêu của chúng, thì những người làm việc ở đây hẳn sẽ cảm thấy buồn. "Năm 2010, Ba Mùn trở thành nơi đặt Trung tâm Cứu hộ động vật trên biển.

Với diện tích khoảng 1ha cùng với cơ sở hạ tầng khá khang trang, hiện đại, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng nhiều loài động vật hoang dã như gấu, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, nhím, rùa ba vạch... do Kiểm lâm Vườn QGBTL tịch thu, cứu hộ được từ các vụ buôn lậu động vật hoang dã trên biển..." - Anh Nguyễn Văn Dương, cán bộ thú y của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn, mở đầu câu chuyện với tôi. Anh Dương bảo, 4 năm trở lại đây, cán bộ, công nhân viên của Trung tâm đã cứu hộ thành công nhiều loài động vật quý hiếm như vích, rùa đầu to, rắn hổ mang chúa, gấu ngựa, chồn, cáo, cầy hương, mèo rừng...

Ở Trung tâm, anh em còn nhắc mãi câu chuyện về một con vích bị vướng lưới của ngư dân, được Hạt Kiểm lâm Vườn QGBTL thu nhận, chuyển về. Sau khi sức khỏe của con vích được ổn định và phục hồi hoàn toàn, anh em quyết định trả nó về với biển. Bình thường, những con vật khác sau khi được cứu hộ xong thả về rừng, về biển, thì chúng đi luôn và đi rất nhanh. Riêng chú vích này khi bò ra đến sát mé biển, vẫn ngóc đầu quay lại nhìn mọi người một cách quyến luyến...

Trong số các cán bộ ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn, người có cách nói chuyện dí dỏm khiến tôi phải bật cười nhiều lần là Giám đốc Khúc Thành Liêm. Anh Liêm nói vui rằng, ở đây hằng ngày nghe tiếng chim hót, vượn kêu nên tinh thần đâm ra trẻ trung.

Thêm vào đó, "tình cảm" mà những con thú dành cho những người cứu sống chúng, cũng làm anh em ở Trung tâm thêm phấn khích trong công việc. Có những con khỉ còn ở tuổi "nhi đồng" bị thương, những ngày đầu vào Trung tâm được cứu hộ bằng những bình sữa bột như của em bé và chỉ được ăn khi đã hồi phục hoàn toàn với những thức ăn, dụng cụ đã tiệt trùng, để tránh bị đau bụng, chúng quấn quýt người nuôi như mẹ con, bế thì cọ đầu vào nách, đi đâu cũng theo từng bước.

Dường như Giám đốc Trung tâm rất có uy với bọn khỉ. Khi chúng tôi xuất hiện, một con khỉ chúa nhe răng dọa nạt, khiến ai cũng giật bắn người, riêng anh Liêm chỉ cần mắng nhẹ vài câu, chàng "Tôn Ngộ Không" đang hung tợn là thế, lập tức ngoan ngoãn lảng vào góc chuồng. "Tiếp xúc lâu với thú hoang, kể cả loài lớn, hung dữ, mới nhận ra rằng, chúng cũng có tình cảm, nhận biết được đâu là kẻ thù, đâu là bạn, bởi tuy là thú lớn nhưng chúng lại không khác gì những đứa trẻ, không tự bảo vệ được mình và rất cần sự chăm sóc, yêu thương của con người..." - Anh Liêm chia sẻ.

Cũng theo Giám đốc Liêm, ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn hiện nay có rất nhiều con thú được "tạm trú" trong thời gian khá dài, thậm chí "thường trú" vĩnh viễn, khi được chữa trị hết bệnh, nhưng sẽ không bao giờ được trả về với tự nhiên, bởi thân thể của chúng không còn lành lặn, nếu trở lại cuộc sống hoang dã khắc nghiệt, chúng khó có thể sinh tồn. Đó là 3 chú gấu ngựa được nuôi dưỡng suốt 16 năm qua (trước đó, chúng được nuôi dưỡng ở Vườn QGBTL, khi Trung tâm được xây dựng mới chuyển đến).

Sở dĩ chúng được hưởng chế độ "phụng dưỡng suốt đời" là do bị nuôi nhốt từ bé, nên đã mất khả năng săn mồi, khi bị đói, rất dễ sa vào bẫy của lâm tặc, mặt khác, thức ăn tự nhiên của gấu là măng, thịt, mật ong... hiện còn có rất ít trên đảo Ba Mùn.

Đó còn là những chú khỉ hiếu kỳ, lém lỉnh được Trung tâm tiếp nhận từ lực lượng Kiểm lâm khi chúng còn chưa biết ăn. Các nhân viên ở Trung tâm phải cho bú sữa bằng bình, cho đến khi trưởng thành mới tính đến chuyện trả về tự nhiên. "Những cá thể động vật được cứu hộ, phải được chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Nếu thiếu trọng lượng, ốm yếu thì sẽ được tăng khẩu phần ăn để bồi bổ sức khỏe. Ngược lại, nếu quá mập, phải thực hiện các phương pháp giảm cân. Làm như vậy là để khi được thả về môi trường tự nhiên, chúng có thể thích ứng ngay..." - Anh Liêm lý giải.

vích mắc nạn
Con vích mắc nạn sắp được trở về với biển.

Đọc cuốn sổ nhật ký công tác khá dày của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn, tôi thấy rất nhiều thông tin về hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, công nhân viên ở đây.

Nói về sự kiện cứu hộ mới nhất diễn ra tại đảo Ba Mùn vào ngày 7-5-2014, "cứu hộ viên" Hồ Văn Kiên cho biết, đầu tháng 5-2014, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Vườn QGBTL, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn và các ngành liên quan đã tổ chức thả một cá thể  mèo rừng thuộc nhóm 1B động vật quý hiếm, về với môi trường rừng tự nhiên trên đảo, đồng thời tiếp nhận 7 cá thể rùa đầu to, 3 cá thể chim diều hâu Miến Điện.

"Kể từ khi thành lập đến nay, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận từ 5-10 đợt cứu hộ. Nghe con số này, nhiều người cho rằng chúng tôi nhàn nhã lắm, nhưng thực ra, công việc ở Trung tâm không lúc nào ngừng tay. Bởi, đa phần động vật được cứu hộ đều thu từ lâm tặc hoặc bọn buôn lậu, trong tình trạng rất yếu, hoảng loạn do bị trói nhốt, bỏ đói lâu ngày, nhiều con đánh mất cả bản năng của chúng. Thực đơn chăm sóc, môi trường sống thì mỗi loài một khác. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn của chúng, chúng tôi phải phân công nhau, người nấu cháo cho gấu, bắt tép cho rùa hay đi săn cóc, ngóe cho rắn; người trực nghiệp vụ hoặc lo việc phối hợp công tác với Kiểm lâm. Do ít người nên cả giám đốc cũng không được "tha", nhất là vào các đợt cứu hộ, tất cả phải xắn tay, bù đầu vì công việc. Được cái là dù vất vả, nhưng anh em rất yêu công việc và coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai, luôn ấm cúng và đầy ắp tiếng cười..." - Nói rồi anh Kiên kể với tôi về những lần cán bộ, nhân viên Trung tâm gặp chuyện dở khóc dở cười, như vụ "tai nạn" xảy ra cách đây hơn một năm, trong lúc cho khỉ ăn, anh đã bị một con khỉ chúa dữ tợn tấn công vào cổ. Trước đó, cán bộ thú y Nguyễn Văn Dương cũng bị một con khỉ cắn, phải vào bờ điều trị hơn nửa tháng...

...Tôi trở về đất liền, khi bầy khỉ đang thi nhau gọi đàn bên cánh rừng rậm rạp kề sát Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn. Kể từ lúc chia tay cán bộ, nhân viên đang làm nhiệm vụ ở đây, không hiểu sao, cứ mỗi lần đi ngang qua các nhà hàng đặc sản nơi phố thị, với biển bảng đủ kiểu trưng ra các món nhậu đặc sản rừng thời thượng, tôi lại nhớ đến ánh mắt đỏ vằn của con khỉ đuôi dài bị thương và nỗi buồn cô quạnh của những con gấu ngựa nằm co ro trong khu "an dưỡng" của Trung tâm.

Giá như ai cũng biết yêu quý và ra sức bảo vệ các con thú như anh em cứu hộ ở đây, có lẽ nạn "chảy máu thú rừng" đã không diễn ra bức bối. Và cán bộ, công nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Ba Mùn hằng ngày không còn phải lo lắng, tất bật chăm sóc những con thú rừng yếu thế và đáng thương...

Báo Biên Phòng, 12/06/2014
Đăng ngày 13/06/2014
Hoàng Phương Uyên

Tăng cường quản lý NTTS trong thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, áp thấp nhiệt đới, mưa, bão xảy ra không theo quy luật.

Nuôi thủy sản lồng bè
• 10:22 28/06/2024

Tăng cường công tác gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu

Ngày 17/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Hội nghị được kết nối trực tuyến với 28 địa phương ven biển trên cả nước.

Họp
• 11:39 19/06/2024

Nhân rộng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Trong vài năm trở lại đây, nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi – Biofloc tại tỉnh Bình Định được áp dụng ngày càng rộng rãi trong các hộ dân. Đây là công nghệ nuôi tôm thương phẩm giúp giảm được dịch bệnh, tiết kiệm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, giúp nâng cao được giá thành sản phẩm và thu nhập tăng hơn đáng kể so với trước đây.

Ao nuôi
• 11:19 17/06/2024

Tập huấn kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Ngày 06.6, tại xã Cát Minh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Phù Cát và Phù Mỹ tổ chức 02 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc cho 40 hộ nuôi tôm trên địa bàn các xã Cát Minh và Mỹ Thành.

Tập huấn
• 10:12 14/06/2024

Sử dụng dầu ấu trùng cho tôm thẻ chân trắng

Hiện nay, nguyên liệu chính làm nguồn chất béo trong thức ăn của tôm là dầu cá. Sự sẵn có của dầu cá đã giảm do nhu cầu thị trường cao và sự cạnh tranh đến từ các ngành công nghiệp khác.

Ấu trùng
• 16:03 01/07/2024

Cà Mau lập khu bảo tồn biển ở 3 cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc

Ngày 18/6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký Quyết định số 1206/QĐ-UBND về việc phê duyệt thành lập Khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau rộng 27.000 ha, tập trung ở vùng biển quanh 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc.

Hòn Khoai
• 16:03 01/07/2024

Nuôi trồng thủy sản bền vững: Tận dụng tối đa các lợi ích từ công nghệ

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực từ dân số ngày càng tăng, ngành nuôi trồng thủy sản đang đứng trước thách thức lớn về tính bền vững. Nuôi trồng thủy sản không chỉ là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng mà còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Cá biển
• 16:03 01/07/2024

Độ mặn và độ pH phù hợp để thả giống

Để thuận lợi cho việc tôm giống thích nghi với môi trường ao nhất có thể, người nuôi thường đo độ mặn và pH sao cho phù hợp nhất. Vậy độ mặn và độ pH là bao nhiêu thì thích hợp cho tôm giống nhất. Mời bà con cùng đọc qua bài viết dưới đây nhé!

Tôm thẻ
• 16:03 01/07/2024

Bệnh DIV1 trên tôm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Bệnh DIV1 trên tôm do Decapod Iridescent Virus 1 (DIV1) gây ra, được phát hiện lần đầu tiên trên mẫu tôm càng đỏ (Cherax quadricarinatus) vào năm 2014 tại tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc sau đó vi rút tiếp tục gây bệnh cho các trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh tại một số tỉnh của Trung Quốc.

Tôm bệnh
• 16:03 01/07/2024
Some text some message..