Mùa cất vó tôm thường kéo dài suốt từ khi lúa ngậm hạt cho tới tận lúc gặt xong, nghĩa là khoảng hơn nửa tháng. Sở dĩ có “mùa” cất vó tôm ở vào thời khắc như vậy là vì, khi lúa bắt đầu chuẩn bị chín thì ban thủy nông của HTX cho tháo dần nước trên cánh đồng chiêm trũng, và mực nước trên các ruộng lúa cứ vơi dần, vơi dần cho tới khi lúa chín vàng là cạn trơ. Khi nước cạn, tôm, cua, tép từ các ruộng lúa dồn cả xuống các mương máng chạy ngang dọc quang khu đồng và lúc này quê tôi thực sự vào mùa cất vó tôm. Vó tôm có hình chữ nhật, hoặc vuông, được làm bằng loại vải màn xô mỏng rộng chừng hơn 1 tấc, ở xung quanh khâu viền kỹ càng cho đỡ sổ các đường chỉ dệt. Gọng vó tôm là 2 thanh tre dài chừng 2 m, vót tròn nhẵn nhụi to bằng ngón tay người lớn. Gọng vó được buộc ở khúc giữa bằng dây thép và ở 4 dầu được neo vào 4 góc vó tạo thành một chiếc vó khum khum đặt ở trên nền đất cân đối không bị đổ. Công việc làm vó, làm gọng vó khá tốn công và thường là người lớn mới làm nổi. Nhà tôi thường có khoảng 30 - 40 chiếc vó tôm và khi mùa cất vó tới là tôi và chị gái hầu như đêm nào cũng có mặt ngoài cánh đồng để cất vó. Mồi để dụ tôm, tép khi cất vó là cám gạo rang vàng hòa nước cho sền sệt. Nếu muốn dụ được nhiều tôm, tép, cua hơn nữa thì mồi cất vó phải được giã và trộn vào đó thêm mấy cánh hoa hồi.
Vào mùa cất vó, cứ sau giờ cơm tối là lũ lượt những đứa trẻ và cả người lớn chuẩn bị đồ nghề để ra đồng cất vó. Chị và tôi thường đi sớm hơn bởi muốn tranh được chỗ đặt vó đẹp, có nhiều tôm, tép và gần bìa làng. Các vó tôm thường được đặt xuống lòng mương máng và cách thưa nhau khoảng 5 - 7 m. Nếu mang theo 30 chiếc vó tôm thì một lượt cất vó, người cất phải di chuyển gần 200 m. Cứ thế, việc cất vó lần lượt hết lượt này cho tới lượt khác, và cho tới khi nào đoạn mương máng đó có vẻ vãn tôm, tép thì người cất di chuyển vó sang một đoạn khác.
Tôm, tép khi xưa nhiều lắm, nhất là khu đồng quê tôi lại trũng nhất trong huyện nên luôn được xem là cái “rốn” chứa tôm, cá, cua, tép. Chỉ cần cất vó khoảng 3 - 4 giờ là có thể kiếm được đầy một rổ to tôm, tép, cả giỏ cua to tướng. Tôm dịp tháng 4, tháng 5 thường là tôm nhỡ, loại to bằng đầu đũa nên bán rất được giá. Ngoài chuyện bán tôm mỗi sớm mai ở phiên chợ làng ra thì thi thoảng cất được nhiều hơn đôi chút là mẹ tôi lại mang phơi khô trữ ăn dần trong những tháng cuối năm. Vào mùa cất vó tôm thì bữa ăn lúc nào của gia đình tôi cũng “tươi”, vì ngoài tôm rang, tép kho dưa ra hầu như món canh cua luôn được ăn thỏa thích, dẫu cơm trắng chưa được nhiều vì lúa chiêm chưa được gặt.
Chẳng riêng gì tôi, mà hầu hết những đứa trẻ sinh ra ở làng của cách đây hơn một thập kỷ cũng đều có những kỷ niệm đầy ăm ắp về những mùa cất vó tôm. Bây giờ quê tôi đã đổi mới trong đà đô thị hóa nên đồng đất không còn nữa. Mỗi lần trở về quê, đi qua khu cánh đồng còn sót lại ít ỏi bị bỏ hoang đang chờ dự án, tôi cố tìm xem trong ký ức hình ảnh cất vó tôm trong những đêm mùa hè mà mình có mặt ở đó…