Theo đó, Ninh Thuận đẩy mạnh khai thác hải sản theo hướng vươn khơi, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ nguồn lợi, môi trường; đồng thời nâng cao năng lực quản lý hoạt động khai thác hải sản và tổ chức lại dịch vụ hậu cần. Về nuôi trồng thủy sản, tỉnh tập trung sản xuất tôm chân trắng, tôm sú, tôm hùm và sản xuất giống; bảo đảm cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ và giảm rủi ro trong sản xuất. Mục tiêu chung của tỉnh là trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn, đáp ứng từ 25 đến 30% nhu cầu con giống thủy sản của cả nước; trong đó có từ 50 đến 60% có con giống thủy sản chất lượng cao.
Ðể thực hiện các mục tiêu nêu trên, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai đa dạng hóa các hình thức hợp tác kinh tế, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ bên ngoài. Tỉnh cũng đã quy hoạch các vùng nuôi nước lợ, mặn, vùng nuôi ở biển, nuôi thủy sản nước ngọt, vùng sản xuất giống; xác định đối tượng sản xuất hàng hóa lớn của tỉnh đến năm 2020 là tôm sú, tôm chân trắng và rong sụn. Ðầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tập trung; xác định các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; cơ sở hạ tầng; khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, khuyến ngư; tiêu thụ sản phẩm; vốn đầu tư... Với quyết tâm triển khai sắp xếp lại nghề cá, trong 10 tháng năm 2013, sản lượng đánh bắt của tỉnh Ninh Thuận đạt gần 59 nghìn tấn hải sản (đạt gần 91% kế hoạch năm), tôm thương phẩm đạt sản lượng thu hoạch 6.390 tấn tăng 26% so cùng kỳ và sản xuất được hơn 17 tỷ con giống.