Đây là một trong những nội dung chính yếu của Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường báo cáo trước Quốc hội sáng nay 6/5/2017.
Luật Thuỷ sản được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2004, về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực thủy sản.
Dự án Luật gồm có 8 Chương, 100 điều (trong đó, kế thừa 12 điều; sửa đổi 50 điều; bổ sung mới 38 điều) với nhiều điểm mới như quy định về Tổ chức cộng đồng quản lý hoạt động thủy sản; đổi tên Quỹ Tái tạo nguồn lợi thủy sản thành Quỹ Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Quy định cấp hạn ngạch giấy phép và thay đổi thời hạn, tiêu chí của giấy phép thai thác thủy sản; Xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá; Thay đổi phương thức quản lý thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản từ quản lý Danh mục sang quản lý theo điều kiện và tiêu chuẩn, quy chuẩn; Quy định quản lý đối với sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản không dùng làm thực phẩm; Quy định về kiểm ngư trung ương và kiểm ngư cấp tỉnh tại 28 tỉnh, thành phố ven biển..
1. Thời hạn Giấy phép khai thác thủy sản có thể tăng lên 60 tháng
Luật quy định thay đổi thời hạn Giấy phép khai thác (từ 12 tháng lên 60 tháng) nhằm giảm thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; phù hợp với tình hình thực tiễn; phù hợp với kỳ điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản (05 năm).
"Thời hạn của giấy phép 60 tháng như quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với thời hạn điều tra, đánh giá và công bố trữ lượng nguồn lợi thủy sản," ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết.
2. Đề xuất lập Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Đề xuất việc đổi tên Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản thành Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản để mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ vì tái tạo chỉ là một hình thức để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cũng đã cho ý kiến về quy định Quỹ bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, hiện có tới 3 loại ý kiến về đề xuất này.
3. Quản lý chặt chẽ tàu khai thác
Theo nội dung công bố của Luật Thủy sản 2017, việc quản lý tàu cá cũng thay đổi, chuyển quản lý từ công suất sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên phải thực hiện đăng kiểm.
Luật quy định điều kiện của cơ sở đóng mới cải hoán, tàu cá và phải được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Khi đóng mới, cải hoán tàu cá phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Luật Thủy sản cũng quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN&PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, Luật cũng quy định nghĩa vụ của tổ chức quản lý cảng cá, trong đó, người đứng đầu tổ chức quản lý cảng cá tổ chức thực hiện thống kê sản lượng thủy sản qua cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định, thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản của tàu cá vào cảng, tổng hợp báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo định kỳ hoặc đột xuất theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
4. Lồng ghép các quy định về IUU
Một trong những vấn đề “nóng” gần đây là việc EU giơ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam liên quan đến vấn đề IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định) và theo đó, nội dung của IUU đã được lồng vào Luật Thủy sản. Cụ thể, ngoài việc quản lý khai thác theo hạn ngạch, Luật quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng.
Luật cũng quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam. Quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động.