Sau khi tàu câu mực khơi QNa-91739 bị sóng đánh chìm ở đảo Song Tử Tây lại đến lượt tàu câu mực khơi QNa-90099 của ngư dân Đỗ Thương (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) bị sóng đánh dạt vào đảo Đá Bắc (quần đảo Trường Sa) vào ngày 9.11. Phương tiện bị thủng, tràn nước, các thuyền viên may mắn được ngư dân trên tàu câu mực khơi của Quảng Ngãi đến giải cứu.
Cận kề hiểm nguy
Mỗi chuyến câu mực khơi kéo dài 2 - 3 tháng trong mùa biển động, ngư dân luôn thường trực đối diện với rủi ro. “Với mỗi chuyến câu mực khơi, tôi một mình, một thúng câu mực đơn độc giữa biển cả mênh mông. “Vào mùa biển động, sóng rất dữ dằn, có thể hất tung cả người lẫn thúng xuống biển sâu. Nhiều đêm tôi ngồi co ro trong rét lạnh để câu mực. Nếu mất cảnh giác trong đêm khuya thì tai nạn ở rất gần” - ngư dân Võ Khắc Thịnh ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, cho biết. Theo ông Thịnh, ở xã Tam Giang có rất nhiều ngư dân mãi nằm lại giữa biển khơi vì bị sóng hất tung khi câu mực khơi giữa đêm khuya. Ngư dân Lê Anh Dũng ở thôn Sâm Linh Tây (xã Tam Quang) cũng là bạn biển lâu năm trong nghề câu mực khơi cho hay: “Từ tháng 10 trở đi, biển nguy hiểm dữ dằn, rất khó lường. Dông bão có khi bất ngờ xuất hiện, ngư dân rất khó đối phó. Chúng tôi neo buộc thuyền thúng câu mực thành hàng dài với nhau và liên tục trao đổi thông tin, hễ ai có nguy hiểm thì anh em không nề hà khó nhọc, sẵn sàng ứng cứu lẫn nhau”.
Nghề lưới vây có đặc trưng là dễ thu được sản lượng lớn trong mùa biển động vì sóng nhấp, cá hay nổi lên hoạt động ở tầng mặt. Nhiều ngư dân theo nghề lưới vây can trường đã bám biển quanh năm ở ngư trường Hoàng Sa. “Khi trời êm là chúng tôi vươn khơi, bám biển. Mùa biển động thường đánh bắt hải sản được nhiều hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn. Hễ nghe tin thời tiết trên biển có thể chuyển biến xấu là chúng tôi di chuyển tàu cá ngay. Có 2 lựa chọn là chạy về bờ hoặc chạy chỗ khác tránh xa tầm hoạt động của bão. Chúng tôi thường chọn cách thứ 2 vì tiết kiệm thời gian và giảm chi phí” - ngư dân Trần Hò ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, - chủ tàu cá QNa-90478 theo nghề lưới vây nói. Vì luôn thường trực khai thác hải sản trong mùa biển động nên nguy hiểm luôn rình rập ngư dân. Không ít tai nạn đáng tiếc đã xảy ra khi tàu cá bị chết máy. Những lúc như vậy, tình đoàn kết trên biển, sự tương trợ lẫn nhau của ngư dân đã giúp họ vượt qua nhiều tai ương.
Đoàn kết trên biển
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Nam, toàn tỉnh có 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 8.063 lao động ở 1.040 tàu cá. Trong đó, số tàu sản xuất xa bờ tham gia mô hình này là 516 tàu với 6.240 lao động. Tổ, đội đoàn kết tập trung nhiều nhất ở các nhóm nghề luôn tiềm ẩn hiểm nguy là lưới vây (60 tổ), câu mực khơi (30 tổ), chụp mực (16 tổ) và lưới rê (10 tổ). Thực tiễn cho thấy hiệu quả thiết thực khi các ngư dân phát huy được tinh thần tương thân, tương trợ, giúp đỡ nhau phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng, vào mùa biển động, ngư dân cần nương tựa vào tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để vượt qua các tình huống nguy hiểm bất ngờ. Đồng thời luôn dõi theo các bản tin dự báo thời tiết qua các đài để chủ động ứng phó. “Việc tổ chức khai thác hải sản trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết cần đẩy mạnh tuyên truyền, huy động ngư dân tham gia và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Từ mô hình này, có thể nâng tầm hoạt động để tiến đến xây dựng các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã nghề cá. Để xây dựng thành công, cần có các quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngư dân trong tổ, đội đoàn kết và giữa các tổ, đội đoàn kết với nhau” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, trong mùa biển động , ngành thủy sản phối hợp chặt chẽ với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, liên tục trao đổi thông tin, hỗ trợ ngư dân đảm bảo an toàn cho người và phương tiện sản xuất trên các vùng biển xa. Công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá cũng được triển khai nghiêm ngặt hơn, hạn chế thấp nhất tình trạng tàu cá bị chết máy khi đang hoạt động trên biển. “Chúng tôi tăng cường trực ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo thông tin kịp thời giữa tàu cá trên biển với đất liền, giúp ngư dân chủ động sản xuất. Các phương án tổ chức neo đậu cho tàu cá ở các âu thuyền khi phương tiện về bờ cũng sẽ luôn được thực hiện phù hợp với từng diễn biến của bão” - bà Phạm Thị Hoàng Tâm nói. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong mùa biển động, ngành chức năng sẽ phối hợp với một số trung tâm đào tạo chuyên ngành thủy sản để mở các lớp đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép và hướng dẫn kỹ thuật khai thác hải sản mới cho ngư dân. Theo đó, ngư dân sẽ được hướng dẫn sử dụng thành thục các máy định vị vệ tinh, máy thăm dò cá, hệ thống máy thông tin liên lạc tầm xa để vừa chủ động phòng tránh thiên tai vừa nâng cao năng lực đánh bắt hải sản.
Theo ngành chức năng, trong mùa biển động cần tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu cá không mang theo đầy đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển; không thực hiện ghi nhật ký khai thác hải sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho đánh bắt hải sản xa bờ như rađiô, máy định vị, máy thông tin tần số cao, máy dò cá, hệ thống liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS.