Đặc sản đang cạn kiệt
Xóm Ghe thuộc thôn Liên Hiệp, TT Sơn Tịnh (H. Sơn Tịnh) được xem là "thủ phủ" cá bống sông Trà. Người dân nơi đây từ bao đời gắn với việc đánh bắt cá bống sông Trà đem bán cho các tiểu thương. Vậy nhưng, vài năm trở lại đây, không ít người dân phải chuyển nghề khác, hoặc ra tận sông Câu Lâu (Quảng Nam), hay lên sông Trà Bồng đánh bắt vì cá tôm trên sông Trà Khúc ngày một cạn kiệt.
Chỉ ra con sông Trà Khúc đang vào mùa nước cạn với những cồn cát lô nhô, vợ ông Năm Trung - một trong những ngư dân có thâm niên với nghề câu, đánh bắt cá bống sông Trà thở dài: "Mấy năm nay, cá tôm trên sông Trà Khúc ít dần nên chồng tui nghỉ, tranh thủ đi làm việc khác kiếm sống". "Sao tiểu thương vẫn thu mua được nhiều cá bống sông Trà?" - tôi hỏi thì vợ ông Trung cười: "Cũng có, nhưng không nhiều như vậy. Cá bống đó người ta đánh bắt ở vùng sông ngoài Quảng Nam, hoặc Trà Bồng rồi chuyển ra trộn với cá bống sông Trà Khúc mới nhiều rứa đó. Chồng tui chuyên làm cá bống mà mùa này cũng phải nghỉ nữa là...".
Tôi vào trong xóm hỏi chuyện thì gặp anh B., cũng là người trước đến nay sống nhờ vào cá bống sông Trà Khúc. Anh B. cho biết, ngày nào may mắn lắm thì thả lưới cũng chỉ được 2-3kg cá đủ loại, trong đó cá bống rất ít, chừng 3-4 lạng. Vài năm trở lại đây, do hạn hán, cộng thêm thực trạng khai thác cát trên sông Trà Khúc ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng khai thác cá theo kiểu tận diệt (dùng xung điện) nên cá tôm trên sông Trà Khúc ngày càng hiếm. Vậy nên nhiều người dân xóm Ghe phải ra Quảng Nam hoặc lên Trà Bồng đánh bắt cá. "Cá người ta thu mua từ nhiều nơi đem về đây tập kết, trộn chung với cá bống sông Trà Khúc. Tui là dân ở đây nên biết mà" - anh khẳng định.
Cá bống sông Trà sau khi kho.
Thật – giả khó nhận biết
Theo chị Nguyễn Thị Mai Dung - người chuyên kho cá bống sông Trà và những món ăn cho các nhà hàng, cho biết: cá bống sông Trà có nhiều loại như bống vồ, bống thệ, bống găm, bống cát. Khác với cá bống ở những dòng sông khác, cá bống sông Trà Khúc sống trong cát, ăn rong tảo nên thịt thơm, dai, da vàng, ruột không có bùn. Tùy theo từng mùa, cá có nhiều hay ít và độ lớn bé khác nhau. Sau Tết, cá thường nhỏ, đến tháng 4 - 5 mới có cá lớn.
Đây là mùa cá có thịt thơm và ngon nhất. Mùa này người dân xóm Ghe thường thả ống, không bủa lưới hay dùng xung điện nên cá tươi và giá cả cũng đắt hơn. "Quê chồng tui ở đó nên tui biết không phải lúc nào cũng có nhiều cá mà phải theo mùa. Tui hỏi thăm mấy người đi thu mua, họ cho biết mỗi lần đi thu mua loại cá bống này nhiều nhất cũng được 15-20kg. Cá bống mà cô được giới thiệu cá bống sông Trà là cá từ những nơi khác đưa về đó. Cũng trên sông Trà Khúc, nhưng chỉ từ phía dưới đập Thạch Nham xuống Tịnh Sơn, Tịnh Minh là ngon. Cá bống thành phẩm ngon là nhờ cách kho nấu mà thành" - chị Dung cho biết thêm.
Qua tìm hiểu được biết, giá bán cá bống sông Trà Khúc tươi chưa qua công đoạn thành phẩm (kho rim) rất đắt. Tùy theo mùa mà giá cả dao động 180-300 ngàn đồng/kg. Sau khi mua về, chà muối cho tróc vảy, làm sạch, nêm nếm gia vị kho thành phẩm bỏ vào lọ bán. Mỗi thẩu, lọ cá bống (đúng cá bống sông Trà Khúc) chừng 3-5 lạng giá 120-160 ngàn đồng. Tuy nhiên, tại một số điểm bán cá bống sông Trà ở TP Quảng Ngãi, giá bình quân chỉ 80-120 ngàn đồng. Theo chị Dung, với giá bán thấp, phục vụ đại trà như vậy thì nhiều khả năng cá bống đó không phải là cá bống sông Trà Khúc?
Rõ ràng, nếu không tai nghe mắt thấy từ những người Quảng Ngãi rành về cá bống sông Trà nói, thật khó nhận biết đâu là cá bống sông Trà Khúc, đâu là cá bống từ nơi khác mang đến. Cá bống sông Trà đã là đặc sản nức tiếng gần xa, nên phải làm gì để giữ được thương hiệu đó là vấn đề cấp thiết, đừng vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi bằng mọi giá.