Hiện giá tôm hùm tại một số khu vực ở Maine đã giảm chỉ còn 1,2 USD/pound (454 gam), thua xa mức giá trung bình 4 USD/pound của mười năm qua. Tuy nhiên người tiêu dùng không được hưởng lợi nhiều. Tại các siêu thị ở Mỹ, giá tôm hùm có thể lên đến 15 USD/pound. “Có kẻ đang kiếm được rất nhiều tiền nhưng chúng tôi biết ngư dân không được hưởng lợi” - một ngư dân đánh bắt tôm ở tỉnh Prince Edward Island tại Canada cho biết.
Tôm hùm chẳng phân biệt đường biên giới Mỹ - Canada. Chúng đi dọc đáy biển kiếm ăn giữa hai vùng đất. Nhưng với người săn tôm hùm, đặc biệt là Canada, ranh giới này rất quan trọng. Theo New York Times, giận dữ với dòng tôm nhập khẩu giá rẻ từ bang Maine (đông bắc nước Mỹ), năm ngoái ngư dân Canada đã mở chiến dịch chặn các xe tải chở tôm từ Mỹ tới các nhà máy chế biến ở nước này. Đầu năm nay, ngư dân Canada lại biểu tình đòi nâng giá tôm thu mua tại thị trường địa phương. Trong khi đó, ngư dân Maine lo ngại chiến dịch quảng bá trị giá 2,4 triệu USD mà chính quyền bang phát động sẽ trở nên vô dụng khi luật Canada biến tôm khai thác từ Maine thành “hàng Canada”.
Tình trạng giá tôm hùm tươi sụt giảm khiến ngư dân cả hai nước lo lắng. Và đôi bên đều đổ lỗi cho nhau. Hiện 50-70% tôm khai thác ở Maine được vận chuyển sang các nhà máy chế biến tại Canada. Hội đồng Tôm Canada (LCC) khẳng định các nhà máy nước này cần tôm Mỹ để tồn tại. “Người Canada cũng cần nhớ rằng Mỹ mua 3/4 sản lượng tôm khai thác ở Canada. Không nên gây chiến với người Mỹ” - chủ tịch LCC Geoff Irvine nhấn mạnh. Tuy nhiên tình trạng căng thẳng vẫn bùng phát. Thống đốc Maine Paul R. LePage vừa lên tiếng phản đối dữ dội việc tôm hùm Maine khi ra khỏi các nhà máy chế biến ở Canada thì trở thành “sản phẩm Canada”. Ông chỉ trích ngành công nghệ chế biến tôm hùm Canada được nhà nước trợ giá và kêu gọi phát triển ngành chế biến tôm ngay tại Maine. Hiệp hội Ngư dân khai thác tôm Maine (MLA) muốn tôm qua chế biến ở Canada được dán nhãn: “Khai thác tại Maine, chế biến ở Canada”. Phía ngư dân Canada cũng ủng hộ sáng kiến của MLA, nhưng không phải vì sự hòa hợp xuyên biên giới. Ngư dân Charles McGeoghegan thuộc tỉnh Prince Edward Island cho rằng hệ thống hiện tại cho phép “tôm hùm kém chất lượng ở Maine” biến thành sản phẩm Canada.
Trên thực tế, ngư dân Maine khai thác tôm hùm vỏ mềm, còn ngư dân Canada đánh bắt tôm hùm vỏ cứng. Đôi bên vẫn tranh cãi nhau dữ dội về việc tôm nước nào ngon hơn. Trước đây, châu Âu là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm hùm Mỹ và Canada. Nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu khiến xuất khẩu tôm hai nước sụt giảm. Ngư dân Mỹ và Canada kỳ vọng châu Á sẽ là cứu tinh của ngành công nghiệp tôm hai quốc gia này.