Phát biểu tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng- thực trạng và giải pháp” được tổ chức tại địa phương này vào hôm nay, 18-6, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước năm 2017 đạt 36,37 tỉ đô la Mỹ và mục tiêu của năm 2018 là trên 40 tỉ đô la Mỹ.
Theo bà Thủy, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng tới hạn, cho nên để tạo ra sự đột phá như mục tiêu đề ra, thì việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp là một đòi hỏi tất yếu cần đẩy mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng thời gian qua còn nhiều hạn chế, thậm chí nông dân vẫn chưa biết gì về nông nghiệp công nghệ cao.
Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo, ông Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại Nam Cần Thơ cho biết, cả nước có khoảng 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 5.000 héc ta, một con số khá khiêm tốn so với diện tích trồng trọt cả nước là hơn 4 triệu héc ta.
Theo ông, để thực hiện chủ trương của Chính phủ, các địa phương đang đẩy mạnh xây dựng các dự án nông nghiệp công nghệ. “Nhưng, cho tới giờ này, tôi đánh giá vẫn chỉ là những mô hình ở vài ngành hàng mà trong đó chỉ trồng một vài loại rau để "chứng tỏ" đi theo công nghệ cao mà thôi”, ông nhận xét.
Tuy nhiên, theo ông Xuân, đa số nông dân vẫn chưa biết gì về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên người nông dân hiện nay vẫn còn nghèo, vẫn sản xuất những sản phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và chất lượng ngon.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) bên lề hội thảo nhận xét, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên cả nước có diễn ra, nhưng không đều. “Có những doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng và đạt được những thành quả quan trọng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở một công đoạn nào đó trong chuỗi giá trị thôi”, bà nhận xét.
Theo bà Hạnh, hiện nay có hai đối tượng quan tâm đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đó là, doanh nghiệp giàu, có vốn lớn và đang đầu tư trong lĩnh vực ngoài nông nghiệp, nhưng chuyển sang một nhánh đầu tư mới là nông nghiệp công nghệ cao; đối tượng còn lại là các bạn trẻ khởi nghiệp.
Tuy nhiên, bà Hạnh đánh giá, mức độ ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp vẫn còn rất ít, chưa đủ để tạo lực đẩy gia tăng sức cạnh tranh của nông sản và thực phẩm Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Theo bà Hạnh, sản phẩm an toàn và đạt giá trị gia tăng cao là hai yếu tố cực kỳ quan trọng, tuy nhiên, trong khi tính an toàn có cải thiện, thì giá trị gia gia tăng cao vẫn kém. “Giá trị gia tăng cao nó liên quan cả chuỗi, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư sản xuất, chế biến…”, bà cho biết và gợi ý khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, theo ông Xuân, những nơi làm công nghệ cao có hiệu quả thật sự đều thuộc về các công ty, tập đoàn lớn, chứ đại bộ phận nông dân chưa hưởng được những kỹ thuật công nghệ cao nào cả.