Theo nhiều người dân sống ven đầm, mùa mưa năm rồi lụt lớn nên cửa biển An Hải, nơi đầm giao với biển mở rộng, nước biển tràn vào làm cho tôm đất sinh sản khá dày, mỗi đêm đi đóng chấn bắt được 2kg, bán với giá 250.000 đồng/kg. Tôm đất là đặc sản của đầm, tuy nhiên trước đây do cửa biển An Hải bồi lấp nên nước đầm ô nhiễm nặng, tôm đất “vắng bóng”. Ông Trần Văn Tính, nhà ở cạnh mé đầm thuộc xã An Cư, cho hay: Mỗi đêm tôi đi đóng 30 miệng chấn bắt tôm đất, tôm đất đặc sản đầm Ô Loan bán trong dịp Tết nên cao giá, trung bình mỗi đêm kiếm 500.000 đồng.
Ông Tính còn cho hay, làm nghề này ban ngày vẫn có thể đi thăm chúc Tết bà con lối xóm, chiều thì mới lục đục lo dầu đèn, tối bơi sõng ra đầm đi đóng chấn xong, về nhà nghỉ ngơi rồi nửa đêm ra đầm thăm chấn, mờ sáng thăm lần nữa để bắt tôm đất. Có hôm nửa buổi sáng đi dạt chấn (chấn ngâm dưới nước lâu ngày rong giẻ bám đầy nên đêm phơi trên mặt nước cho khô rong rồi giũ sạch) để chiều đi đóng chấn. Còn ông Bùi Văn Minh ở xã An Ninh Đông chuyên đi đóng chấn phân trần: Đêm 30, tôi ở nhà đón giao thừa, còn từ mùng 1 Tết đến nay, đêm nào tôi cũng đi đóng 20 miệng chấn bắt trên 1kg tôm đất. Tôm đất xuất hiện dày nhưng cũng đang cạn dần vì nhiều người thả lờ ruột heo (dây bóng Thái Lan) đánh bắt tôm đất từ con nhỏ đến con lớn. Mỗi đêm có hàng chục người lén ra đầm thả lờ ruột heo, “đội ngũ” này mỗi đêm “cào” trên 1 tạ tôm đất lứa nhỏ. Nếu cấm được người thả lờ ruột heo trong vòng 1 tuần thì lứa tôm đất loại nhỏ lớn lên, tôm dưới đầm sẽ dồi dào, còn dừng hẳn thả lờ ruột heo thì người dân quanh đầm sống lại với nghề đầm.
Thời gian qua, người dân ven đầm ai cũng than đầm đói vì hải sản cạn kiệt. Một phần vì cửa biển An Hải không mở nên nước trong đầm ô nhiễm, một phần do con người đánh bắt hủy diệt (lờ ruột heo, châm xung điện) nên tôm, cá thưa dần. Kiểu đánh bắt hủy diệt này không những khiến tôm đất cạn kiệt mà các loại hải sản quý hiếm trong đầm như cua, lịch huyết cũng “vắng bóng” theo. Năm nay, nhiều người đóng chấn trong đầm phấn khởi vì tôm đất xuất hiện, tuy nhiên nghề đóng chấn vẫn gặp khó so với trước đây.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: Đợt bão lụt vừa qua, cửa biển An Hải mở rộng hơn so với trước đây trên 120m, nước trong đầm Ô Loan lưu thông với biển nên dồi dào tôm cá. Từ sau Tết đến nay, người dân địa phương vui mừng hưởng lộc từ đầm, có gia đình thu nhập khá từ bắt tôm đất. UBND huyện đề nghị UBND các xã tuyên truyền cho người dân quanh đầm ý thức bảo vệ môi trường, không dùng xung điện, lờ ruột heo khai thác làm cạn kiệt hải sản nhỏ trong đầm.