Ông Tú cho biết, ông mua cá vụn của các hộ đánh bắt trên đầm Trà Ổ về tự chế biến thành thức ăn cho chình, đảm bảo an toàn cho vật nuôi, đồng thời giảm chi phí. Được sự hướng dẫn của các nhà khoa học, ông tự ủ chế phẩm sinh học để xử lý các loại vi khuẩn gây bệnh cho chình. Ông còn nuôi bò lấy phân để nuôi trùn quế làm thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho chình. Nhờ đó, chình nuôi không xảy ra dịch bệnh, ăn khỏe, lớn nhanh, đạt năng suất cao.
Ngoài nuôi chình thương phẩm, ông Tú còn mua bán chình giống. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, có năm hơn 500 triệu đồng từ nuôi chình. Diện tích ao hồ nuôi chình thương phẩm, chình giống tiếp tục được mở rộng với quy mô nuôi ngày càng lớn.
Ông Phạm Bính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Châu, nhận xét: Từ một hộ nghèo, giờ đây ông Tú đã trở thành hộ khá giả ở địa phương. Với nghề nuôi chình, hàng năm ông Tú giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động phổ thông, với mức lương ổn định 5,5 triệu đồng/người/tháng; giải quyết việc làm theo mùa vụ cho 20 - 30 lao động, tiền công 200 ngàn đồng/người/ngày. Ông còn hướng dẫn nuôi chình thương phẩm và cung cấp chình giống cho trên 20 hộ trong và ngoài tỉnh. Ông tích cực hỗ trợ các hộ khó khăn, đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ hỗ trợ nông dân xã, đóng góp làm đường giao thông nông thôn, thắp sáng đường quê… với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ông còn giúp hàng chục hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Đam mê, quyết tâm, năng động trong làm kinh tế, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương, góp công giữ được nguồn đặc sản quý (con chình) ở Bình Định, vì những điều đó, nhiều năm liền ông Tú đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Mới đây, ông được Hội Nông dân tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.