Lúng túng
“Sau thu hoạch cá, hầu như chủ ao nào cũng xả bùn đáy ao và nước thải ra trực tiếp môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn”, ông P. - một người dân phản đối cho biết.
Khu vực 40ha trồng cây ăn quả của xã Tân Hòa được huyện Tân Thạnh đầu tư 500 triệu đồng làm đê bao, giờ ao ương cá tra giống mọc lên chi chít. Số diện tích cây trồng chỉ còn lại 2,5ha.
Ông P. còn phản ánh thêm, chính quyền xã Tân Hòa đã “ngó lơ”, không xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm này.
Theo UBND xã Tân Hòa, hiện trên địa bàn có 219ha ao ương cá tra giống với 200 hộ sai phạm. Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Tân Hòa thừa nhận, thực tế chính quyền xã Tân Hòa đã chưa xử lý nghiêm những trường hợp nêu trên.
Theo ông Hùng, nguyên nhân của việc này là có chỉ đạo của UBND huyện Tân Thạnh “cho phép lập biên bản nhưng không xử phạt”. “Chính quyền địa phương đang lúng túng xử lý việc người dân đào đất lúa chuyển sang ương cá tra giống, gây ô nhiễm môi trường. Nếu xử phạt và cấm người dân tái diễn thì có nên không khi đây là mô hình rất hiệu quả không chỉ giúp nông dân giảm nghèo mà còn vươn lên khá giả. Thực tế, hiện địa phương chưa có mô hình nào hiệu quả hơn mô hình này”, ông Hùng thổ lộ.
Cũng theo ông Hùng, hiện 12 xã, 1 thị trấn của huyện Tân Thạnh đều có tình trạng đào ao ương cá tra giống. Nhưng tất cả các địa phương này đều thực hiện đúng theo tinh thần của huyện “lập biên bản nhưng không xử phạt”.
Do các hộ chỉ đào ao ương cá giống sâu 6 – 8cm, nên ông Hùng hy vọng, nếu sau này có xử lý “buộc khôi phục lại hiện trạng”, thì nông dân sẽ thực hiện dễ dàng, nhanh chóng.
Tuy nhiên, việc khuyến cáo người ương cá tra giống không được xả nước thải, nhất là bùn đáy ao trực tiếp ra môi trường xem như khó khả thi.
Ngại va chạm!
Hiện trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 2.000ha nuôi, ương cá tra giống, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa…
Trước việc nông dân ào ạt đào ao ương cá tra giống không chuyển đổi mục đích, gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các địa phương phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính răn đe như buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Nông dân Long An phản đối ương cá tra giống
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có huyện Tân Hưng là thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh. Theo ông Trần Tấn Tài – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hưng, huyện này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 59 trường hợp nông dân đào ao ương cá tra với số tiền hơn 880 triệu đồng.
Theo ông Tài, hầu hết các diện tích ương cá tra giống trên địa bàn nằm ngoài quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh đến năm 2020 nên không đảm bảo điều kiện thuận lợi để xử lý môi trường.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, bà Đinh Thị Phương Khanh cho biết, nguyên nhân các huyện thiếu kiên quyết xử lý các hộ vi phạm đào ao nuôi cá tra là do “ngại va chạm”. Chưa có trường hợp nào bị xử lý buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu như tinh thần công văn của UBND tỉnh.