Gần 1 tháng nay, ghẹ xuất hiện dày trong đầm Ô Loan, mỗi đêm có đến hàng trăm người sống ven đầm mưu sinh bằng nghề đánh bắt ghẹ. Ông Phan Vinh ở xã An Cư, bơi sõng thả lưới, lờ bắt ghẹ, cho hay: Trong một đêm, gia đình 2 người thay phiên nhau thả lưới, lờ và đóng chấn bắt 10kg ghẹ, với giá bán hiện nay 100.000 đồng/kg, thu được tiền triệu. Có gia đình, ban ngày bủa thêm vài tấm lưới nữa bắt 2-3kg ghẹ.
Cũng theo ông Vinh, lứa ghẹ này xuất hiện từ trung tuần tháng 3 vừa qua, thời điểm đó, ghẹ còn nhỏ “lọt” lưới. Nay đóng lưới, ghẹ có trọng lượng 5-7 con/kg. Trong vòng 5 năm trở lại đây, lứa ghẹ này xuất hiện tự nhiên rất dày.
Bên cạnh ghẹ, người dân ven đầm còn trúng cua nuôi trong đầm. Trước đó, vào đầu năm nay, cua tự nhiên trong đầm xuất hiện nhiều, người dân quanh vùng bắt cua lớn, cua nhỏ bán. Nhiều người có hồ nuôi tôm trong đầm thấy cua nhỏ bán tràn lan sợ mất giống nên mua thả lại hồ nuôi, đến nay đã bắt đầu xuất bán cua y, cua gạch.
Ông Bùi Văn Tiến, một người nuôi cua trong đầm cho hay: Cua gạch hiện nay thương lái mua 400.000 đồng/kg, cua y 260.000 đồng/kg. Người nuôi số lượng nhiều trong 1 tháng xuất bán thu 6-7 triệu đồng. Vào thời điểm này năm ngoái, cua y (con 2 lạng trở lên) thịt săn chắc, giá bán 150.000 đồng/kg; cua xô, yếm mềm thịt xốp giá 100.000 đồng/kg; cua gạch 250.000-300.000 đồng/kg (tùy loại). Mấy năm qua, cua đầm Ô Loan “vắng bóng” do cửa đầm An Hải bị bồi lấp không thông ra cửa biển được, nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Hai năm nay trời có mưa lụt, nước trong đầm được thông ra biển, tạo điều kiện cho các loại hải sản ở đầm sinh sôi, đặc biệt là cua, ghẹ.
Ông Trương Văn Tấn, một người chuyên mua cua, ghẹ ở đầm Ô Loan, cho biết: Mỗi ngày tôi đi quanh đầm mua gom được gần 1 tấn cua, ghẹ. Chưa năm nào, đầm Ô Loan phá kỷ lục về số lượng ghẹ, cua như năm nay. Cỡ 1 tháng nữa, lứa ghẹ lớn rộ, có con to bằng bàn tay. Ghẹ đầm Ô Loan được xếp vào loại ngon, không cầu kỳ chế biến mà chỉ cần hấp, luộc, ăn vừa ngọt vừa béo rất ngon. Những ngày qua, bạn hàng từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương gọi điện thoại ra đặt hàng rất nhiều nên giá cua, ghẹ tăng cao.
Theo ông Phạm Đăng Tĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, đợt bão lụt vừa qua, cửa biển An Hải mở rộng hơn so với trước đây trên 120m, nước trong đầm Ô Loan lưu thông với biển nên dồi dào cua, ghẹ, cá. Từ sau Tết đến nay, người dân địa phương vui mừng vì nguồn hải sản trong đầm dồi dào, có gia đình thu nhập khá từ đánh bắt ghẹ, cua.