Từ rủi ro kỹ thuật…
Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Ơ (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) như ngồi trên lửa. 3 hầm cá giống của ông mỗi ngày chết trên 20kg. Ông Ơ đã nhờ hết chuyên gia này đến kỹ sư khác trị bệnh cho cá, thuốc đổ vào ao tốn rất nhiều tiền nhưng cá vẫn tiếp tục chết.
“Tôi đã tốn trên 30 triệu đồng vào việc mua thuốc trị bệnh nhưng cá vẫn chết. Thấy người ta nuôi cá tra giống lời nhiều nên vợ, chồng tôi thuê hầm nuôi. Nào ngờ gặp cảnh này, hết ham” - ông Ơ giải bày.
Hầm cá tra giống của ông Ơ bị bệnh gan thận mủ. Đây là bệnh rất dễ gặp trong thời điểm giao mùa (giữa mùa nắng và mùa mưa hoặc khi nước rút). Trong khi hầm cá xảy ra dịch bệnh, thay vì phải ngừng việc bơm nước từ ngoài sông vào hầm, đằng này ông vẫn tiếp tục bơm từ đó dẫn đến việc trị bệnh không hiệu quả.
“Ông Ơ là một trong nhiều trường hợp của ngư dân hiện nay đang gặp phải, tuy có vốn nhưng họ không am hiểu về nghề nuôi cá giống, thấy người ta nuôi cá giống lời nhiều, họ “nhảy” vào nuôi, trong khi kỹ thuật nuôi thì không rành. Cá giống loại 30 con/kg có lúc thương lái đến hầm mua đến 72.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lãi trên 50.000 đồng/kg, nhiều người đào hầm nuôi dễ chuốc lấy thất bại”- chị Trần Thị Dịu (Kỹ sư thủy sản TX. Tân Châu) chia sẻ.
Ngoài bệnh gan thận mủ, vào thời điểm nước đổ như hiện nay, cá tra thường gặp các bệnh như: xuất huyết, phù đầu… nếu nuôi từ cá bột lên cá hương thường gặp phải bệnh trắng mình (thường gọi là bệnh bông mình).
Đối với những hầm cá bị bệnh, bà con nên giảm lượng thức ăn, không cấp nước từ bên ngoài vào hầm, đồng thời dùng thuốc để trị bệnh cho cá. Cần tìm đến những kỹ sư thủy sản có kinh nghiệm hoặc những người nuôi lâu năm để họ chia sẻ kinh nghiệm, qua đó giúp việc điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.
…Đến rủi ro thị trường
Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nói riêng và ĐBSCL nói chung. Do đây là “nghề”, vì vậy những người tham gia vào cuộc chơi cần phải “biết nghề”, việc này nhằm tránh rủi ro trong quá trình chăn nuôi. Trong khoảng 10 ngày, nước dưới sông đổi màu (nước đổ), nhiều hầm cá giống, cá thịt bị bệnh rất nhiều, đa phần là bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết, phù đầu, trắng mình… Đây là những căn bệnh khó điều trị, vì vậy ngư dân cần hết sức bình tĩnh, tìm hiểu thật kỹ để đưa ra phác đồ điều trị bệnh hiệu quả.
“Những năm gần đây, do tình hình biến đổi khí hậu bất thường dẫn đến cá nuôi bị bệnh rất nhiều, chi phí điều trị tăng. Nhiều người phải bỏ nghề, cá trên thị trường thiếu hụt nên giá tăng khá cao. Người nuôi cá giống như chúng tôi chỉ mong giá cá giống (loại 30 con/kg) quanh quẩn ở mức 23.000 đồng/kg, với mức giá này, người nuôi đã có lời. Cá lên đến 60.000 - 70.000 đồng/kg chẳng tốt chút nào, vì nó đang phản ánh thực tế cung - cầu lệch nhau, rất bất lợi cho cả người bán lẫn người mua” - bà Lê Thị Diễm (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) chia sẻ.
Thời điểm giao mùa, cá thường hay bị bệnh gan thận mủ, chết hàng loạt.
Ngư dân nuôi cá giống hiện nay, ngoài đối phó với dịch bệnh đang xảy ra trong hầm cá, bà con còn phải đối phó với việc kêu bán cá mà chẳng ai mua. “Thời điểm này cá đang bị bệnh (chết nhiều), vì vậy những người nuôi cá thịt đang chờ khoảng 15 ngày, khi dịch bệnh qua họ mới thả cá giống vào hầm, vì vậy đối với cá giống, giao dịch trên thị trường có phần chậm lại” - Phó Chủ tịch Hiệp hội thủy sản tỉnh Lê Chí Bình chia sẻ.
Nuôi cá “3 không” rủi ro khó lường là điều dễ nhận ra. Để cải thiện tình trạng này, ngư dân cần suy nghĩ thật kỹ trước khi tham gia nuôi. Ngư dân cần tập hợp nhau vào một tổ chức như hợp tác xã hoặc chi hội thủy sản, để ở đó tất cả cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi, thị trường tiêu thụ, thị trường thức ăn, hạn chế được rủi ro trong quá trình nuôi. Ngoài ra, ngành chức năng cần đưa ra nhiều thông tin để ngư dân tham khảo, cụ thể như: thông tin về thị trường tiêu thụ, tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo trong sản xuất… Có vậy, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu mới phát triển mang tính ổn định và bền vững.
“Tôi bán cá cho Công ty Cổ phần Việt An có hợp đồng rõ ràng, khi doanh nghiệp cân cá xong, tôi lấy tiền "trần ai" chứ nói gì đến việc ngư dân không ký được hợp đồng tiêu thụ, chỉ mua bán trôi nổi bên ngoài, việc này rủi ro rất cao. Nhà nước sớm có biện pháp giúp những ngư dân bán cá cho Việt An lấy được tiền, đồng thời cần tổ chức lại ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu theo hướng ngư dân và doanh nghiệp cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình hợp tác xã, có vậy ngành cá mới phát triển lâu bền” - ông Cao Lương Tri (ngư dân ở TP. Long Xuyên) kiến nghị