Chúng tôi đến xã Ia Kreng đúng vào dịp người dân 2 làng Díp và Doch 1 đang thu hoạch cá nuôi trong những lồng trên hồ thủy điện Sê San 3A. Những mẻ lưới đầy cá diêu hồng, rô phi được kéo lên trong niềm hân hoan của mọi người. Anh Rơ Châm Unh (làng Doch 1) vừa kéo mẻ cá diêu hồng lên bờ vừa tấm tắc khen: “Lúc thả bé tý, giờ to thế này rồi”.
Cầm con cá hơn 1 kg lên khoe với chúng tôi, anh Unh phấn khởi cho biết, khi mới tham gia mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sê San 3A, anh cũng lo lắm vì trước đây người dân trong làng chỉ biết làm rẫy và trồng lúa. Nhưng sau khi được tập huấn, anh thấy nuôi cá không khó, chỉ phải cho ăn 2 lần/ngày và thỉnh thoảng vệ sinh lồng. Lúc nuôi, cá chỉ to bằng đầu đũa nhưng một thời gian mỗi con đã nặng cả ký.
Cũng là hộ tham gia mô hình nuôi cá lồng, anh Rơ Châm Phyui (làng Doch 1) không giấu được niềm vui khi đến kỳ thu hoạch. Anh Phyui chia sẻ: “Tham gia mô hình nuôi cá lồng, mọi người chỉ phải bỏ công, kinh phí đã có Nhà nước lo. Mỗi ngày, tổ phân công 3 hộ xuống chăm sóc đàn cá. Gắn bó với đàn cá từ lúc mới thả, giờ thu hoạch bán được giá, mọi người ai cũng phấn khởi. Tôi thấy việc nuôi cá hiệu quả cao gấp mấy lần trồng lúa rẫy. Sau này có vốn, tôi sẽ tự đầu tư lồng bè để nuôi cá trên hồ thủy điện Sê San 3A”.
Xã Ia Kreng là nơi có hồ thủy điện Sê San 3A với diện tích mặt nước tự nhiên tương đối lớn và luôn duy trì ở mức ổn định. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Nhận thấy lợi thế trên, tháng 5-2018, UBND huyện Chư Pah đã triển khai dự án hỗ trợ 30 hộ dân người Jrai của 2 làng Díp và Doch 1 nuôi cá lồng tại hồ thủy điện Sê San 3A. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 732 triệu đồng (ngân sách huyện 600 triệu đồng, nhân dân đóng góp 132 triệu đồng).
Người dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng và được hỗ trợ 100% chi phí con giống, thức ăn và hệ thống lồng nuôi. Dự án được thực hiện với quy mô gồm 2 khung lồng, mỗi khung lồng gồm 11 ô, phân cho mỗi làng 1 khung. Ba loại cá được chọn nuôi thí điểm gồm: rô phi, diêu hồng và cá lăng. Ủy ban nhân dân huyện Chư Pah giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản tỉnh và xã Ia Kreng triển khai thực hiện; trong đó, Trung tâm Giống thủy sản tỉnh thực hiện hợp phần hỗ trợ cá giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật cho người dân.
Ông Rơ Châm Pích-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kreng, kiêm tổ trưởng tổ nuôi cá của làng Díp-cho biết: “Khi được chọn tham gia mô hình, người dân rất tích cực đóng góp ngày công để làm lồng và tự bỏ tiền làm nhà lồng để vừa ở, vừa thuận tiện cho việc chăm sóc cá. Sau hơn 1 năm triển khai, bà con đã bắt đầu thu hoạch một số lồng cá đầu tiên, bán được 30-40 triệu đồng. Ai cũng vui mừng với kết quả này”.
Theo ông Phạm Thanh Xuân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng, xã có 525 hộ thì tới 46,5% là hộ nghèo. Nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao là do diện tích đất nông nghiệp ít, lại chủ yếu nằm trên các sườn đồi, sản xuất gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào tự nhiên. Vì vậy, khi được UBND huyện Chư Pah triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ Sê San 3A theo kiểu cầm tay chỉ việc cho người dân, chính quyền xã tiến hành làm ngay. Ban đầu, việc vận động người dân tham gia mô hình rất khó vì bà con chưa có kinh nghiệm nuôi cá. Chỉ khi được đưa đi tham quan các mô hình, người dân mới tin có thể nuôi cá ở hồ thủy điện. Vừa rồi thu hoạch được 7 tạ cá, giá bán thấp nhất cũng được 40.000-50.000 đồng/kg nên ai cũng mừng. Sau giai đoạn đầu tiên, cá bán ra sẽ chia đều tiền công cho các hộ tham gia, đồng thời giữ lại một phần để tiếp tục tái đầu tư.
“Bước đầu cho thấy, mô hình đã có hiệu quả và đi đúng hướng. Đây là điều kiện để người dân tận dụng diện tích mặt nước vào phát triển nghề nuôi cá, từng bước xây dựng vùng chuyên nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Chúng tôi hy vọng nhiều người dân tham gia mô hình nuôi cá lồng và khuyến khích bà con tự làm để tăng thu nhập cho gia đình”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kreng cho biết thêm.