Anh Hoàng Văn Cường, hộ nuôi ngao hai cùi lớn nhất xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, gia đình anh đã đầu tư nuôi ngao hai cùi tại bãi Vụng Dầm, Bãi Tùng từ năm 2012. Do nuôi tự phát nên gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn về con giống, cát xốp cũng như các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên do khu vực biển đảo Vĩnh Thực rất phù hợp nuôi giống ngao hai cùi nên sau vài năm đầu tư đã mang lại cho gia đình khoản thu nhập hàng tỷ đồng.
“Thấy nhà tôi làm ăn tốt, nhiều gia đình trong xã cũng đầu tư nuôi ngao hai cùi. Đặc biệt là từ đầu năm 2018 đã có gần 100 hộ nuôi với số tiền đầu tư ít thì cũng vài trăm triệu, nhiều lên đến 4-5 tỷ đồng. Giờ mong muốn của bà con là chính quyền sớm quy hoạch vùng nuôi để người nuôi nhuyễn thể ở đảo Vĩnh Thực yên tâm làm giàu”, anh Cường nói.
Các hộ dân nuôi ngao hai cùi trên đảo Vinh Thực phản ánh những băn khoăn tới báo phóng viên.
Anh Cường cũng cho biết thêm, theo thông báo của UBND xã Vĩnh Trung, đến hết năm 2018 bà con phải tự tháo dỡ và không được nuôi thêm nữa. Người dân cũng ý thức được việc nuôi tự phát là chưa đúng nên sẵn sàng ký cam kết.
"Nhưng chúng tôi vẫn băn khoăn vì lứa ngao mới nhất được thả từ tháng 6.2018 mà tuổi ngao phải từ 14-15 tháng mới thu hoạch được. Đến tháng 12 thì ngao mới thả được 6 tháng còn rất nhỏ. Bà con có thu hoạch lên cũng không bán được, như thế là mất trắng hàng chục tỷ đồng", anh Cường nói.
Hộ ông Phạm Văn Trung, thôn 3, xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái cũng đầu tư gần 1 tỷ đồng cho ngao giống, cát xốp và lồng bè… Ông Trung cho biết: "Ngao hai cùi thì cứ thu quanh năm mà xuống giống cũng quanh năm, cứ được giá là bán thôi. Chúng tôi mong vùng nuôi được quy hoạch để bà con yên tâm sản xuất".
Nhiều hộ dân đã đầu tư lồng, bè, tàu thu hoạch ngao... lên đến hàng tỷ đồng.
Anh Vũ Văn Toàn, người nuôi ngao tại Vụng Dầm, Bãi Tùng, xã Vĩnh Trung thì bày tỏ, nuôi ngao hai cùi mang lại lợi nhuận kinh tế rất cao có khi đầu tư một mà thu về gấp mười. Đây là nhu cầu làm giàu chính đáng của bà con dân đảo.
Nếu chính quyền không cho nuôi nữa thì bà con cũng không biết phải làm gì vì trồng lúa thì không có nước, đánh bắt thì đầu tư lớn mà còn phải có sức khỏe, kinh nghiệm. Đời sống bà con dân đảo mấy năm nay cũng khấm khá lên nhờ con ngao hai cùi.
Do phát triển tự phát nên người nuôi ngao hai cùi ở đảo Vĩnh Thực gặp khó khăn trăm bề.
Ngay sau khi báo điện tử Dân Việt có bài viết: "Khát" cát xốp, người nuôi ngao Móng Cái phải mua cát lậu giá "cắt cổ" vào ngày 6.6 vừa qua, ông Vũ Văn Kinh, Chủ tịch UBND TP.Móng Cái đã chỉ đạo rà soát lại các hộ đang nuôi ngao hai cùi tự phát trên đảo; phê bình Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung vì đã để hình thành vùng nuôi lớn mà không có sự kiểm soát khó giải quyết.
Để tạo điều kiện cho người dân sản xuất, phát triển kinh tế thủy sản, Chủ tịch UBND TP. Móng Cái đã giao phòng Kinh tế chủ trì phối hợp với xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực và các ngành chức năng khảo sát, đề xuất quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản nhuyễn thể trên địa bàn để báo cáo thường trực UBND thành phố xem xét, quyết định.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân Việt, ông Lê Đức Tâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung, cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND TP.Móng Cái, UBND xã đã họp các hộ nuôi ngao ký cam kết dỡ bỏ cọc đã quây cắm tại các bãi Vụng Dầm, bãi Tùng trước 31.12.2018. Do việc nuôi ngao của bà con hiện nay đang là tự phát và có dấu hiệu phát triển khó kiểm soát nên trong khi chờ bổ sung quy hoạch vùng nuôi, chính quyền đề nghị bà con ký cam kết giữ nguyên hiện trạng đến hết năm 2018.
Còn về những băn khoăn của các hộ nuôi ngao hai cùi, ông Tâm cho biết, do tuổi ngao hai cùi khoảng 12-15 tháng là thu hoạch được nên nếu đến cuối năm mà ngao nuôi chưa đạt kích thước để xuất bán thì UBND xã sẽ báo cáo UBND TP.Móng Cái đề nghị gia hạn thêm thời gian đến khi ngao đủ lớn. Đảm bảo không để bà con nuôi ngao bị thiệt hại do phải thu hoạch sớm.
Ông Tâm cũng cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con ngao hai cùi đã mang lại cho nhiều hộ dân trên đảo thu nhập cao. Vì vậy đây là nhu cầu chính đáng của người dân và cũng giải quyết được bài toán việc làm cho địa phương. Thành phố cũng nhiều lần tổ chức đoàn khảo sát để bổ sung quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản trên đảo tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Nguyên nhân là do nhiều hộ đánh bắt thủy sản phản đối quy hoạch vùng nuôi. Các hộ tham gia nuôi trồng thì lại chưa đoàn kết để đề xuất vùng nuôi phù hợp, mạnh ai nấy làm nên dẫn đến tình trạng nuôi trồng trái phép, sử dụng nguồn giống, cát xốp lậu như hiện nay.