Phá vỡ quy hoạch
Theo Sở NN-PTNT, tính đến cuối tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh có 105.325 lồng nuôi thủy sản (gấp 2 lần so với quy hoạch), trong đó ở TX Sông Cầu có 91.280 lồng (gấp 2,8 lần so với quy hoạch), huyện Đông Hòa có 7.600 lồng (gấp 2,2 lần so với quy hoạch tạm thời đến hết năm 2019) và huyện Tuy An là 6.445 lồng (bằng 40% so với quy hoạch).
“Sở NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản vào vùng quy hoạch, tuy nhiên đến nay đa số các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa được quy hoạch chi tiết nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn… Mặt khác, hiện nay có tình trạng người dân bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, tự phát lấn chiếm mặt nước, cơi nới lồng bè để nuôi thủy sản làm cho công tác quản lý quy hoạch ở địa phương gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT nói.
Riêng vùng nuôi thủy sản lồng bè ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) đã được UBND tỉnh thống nhất phương án phân khu chi tiết mặt nước và đang hoàn thành quy hoạch chi tiết để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Nguyễn Thành, Chủ tịch UBND phường Xuân Đài, cho biết: Với khoảng 47ha mặt nước vịnh Xuân Đài được bố trí để nuôi trồng thủy sản, phường đã phân vùng và phân chia khoảng 2.000m2 mặt nước/hộ, tương đương 16 lồng nuôi. Trước mắt, UBND phường bố trí và sắp xếp 2 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản đã được công nhận với khoảng 40 hộ nuôi.
Còn theo ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, địa phương đã triển khai cắm mốc, thả phao bù tại 6 phân vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài và đang sắp xếp, giao mặt nước cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản.
Khó khăn hiện nay đối với việc sắp xếp lại lồng bè ở vịnh Xuân Đài là một số hộ dân đủ điều kiện để giao mặt nước nhưng có số lồng nuôi nhiều hơn phương án sắp xếp; các hộ này không chịu ký cam kết tháo dỡ số lồng nuôi dôi dư lên bờ sau khi kết thúc vụ nuôi ở vùng tạm.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Đơn vị đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề cương quy hoạch chi tiết vùng nuôi đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi hàu, nuôi sò huyết tại đầm Ô Loan (huyện Tuy An); góp ý xây dựng đề cương quy hoạch chi tiết vùng nuôi ven đầm Ô Loan.
Đối với vùng nuôi lồng bè Vũng Rô (huyện Đông Hòa) không còn trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh, UBND tỉnh đã giao cho huyện Đông Hòa tổ chức giải tỏa nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong vì còn vướng về quy định cưỡng chế hành chính đối với tài sản là thủy sản nuôi.
Hướng đến phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, trong khi chờ quy hoạch chi tiết, các địa phương tạm thời phân vùng mặt nước nuôi lồng bè theo quy hoạch tổng thể để sắp xếp lại lồng bè nuôi hợp lý hơn (cố gắng đến cuối năm 2020 hoàn thành). Bên cạnh đó, các địa phương chủ động đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đối với người nuôi khó khăn bị ảnh hưởng của việc di dời, giải tỏa lồng bè để chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.
Về lâu dài, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các giải pháp nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản ở Phú Yên theo hướng bền vững. Theo đó, sẽ đặt hàng nghiên cứu và sản xuất thức ăn công nghiệp cho tôm hùm, nuôi biển công nghiệp bằng lồng vật liệu HDPE, nghiên cứu phát đồ hiệu quả phòng và điều trị các bệnh trên thủy sản nuôi…
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương cho biết: Đối với ngành thủy sản, nếu được triển khai đồng bộ thì sẽ tạo ra nguồn thu lớn, ổn định cho người dân và tỉnh. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở tỉnh ta đang gặp một số vấn đề về môi trường và dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp để khắc phục những hạn chế nói trên, trong đó tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch chi tiết vùng nuôi, phòng chống dịch bệnh và chống ô nhiễm môi trường.
Để phát triển lĩnh vực thủy sản một cách bài bản, cần thiết phải quy hoạch vùng nuôi với mật độ, phương thức nuôi trồng phù hợp. Do đó, việc quy hoạch chi tiết đang được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo để sớm thực hiện và vấn đề quan trắc môi trường nước để có phương án phòng chống các dịch bệnh trên thủy sản nuôi cũng đang triển khai.
“Mới đây, UBND tỉnh đã đề xuất và được Đại sứ quán Úc tại Việt Nam thống nhất hỗ trợ khoảng 1 triệu đô la Úc để xây dựng mô hình quan trắc môi trường với nhiều thông số, công nghệ mới phục vụ cho việc cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. UBND tỉnh cũng đang làm việc và đề nghị Bộ KH-CN tiếp tục hỗ trợ để xây dựng các mô hình nuôi trồng mới có năng suất, đảm bảo về môi trường và phòng chống dịch bệnh, nghiên cứu các hình thức nuôi trồng tại vùng biển hở”, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương nói.