Tổng diện tích thả nuôi khoảng: 6.047 ha, trong đó: Nuôi thâm canh, bán thâm canh 2.798 ha; Quảng canh cải tiến, quảng canh 2.877 ha; Nuôi ruộng 372ha.
Những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh xảy ra nhiều. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, một bộ phận người nuôi đã sử dụng thuốc, các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Nhằm hạn chế tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao chất lượng và năng suất tôm, qua đó gia tăng thu nhập.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước... với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng/ha đang được nhiều hộ nông dân huyện Cần Giờ, TP.HCM hào hứng triển khai.
Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao CPF-Combine Program bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C được nông dân huyện Cần Giờ ra sức nhân rộng. Đây là hướng đi cho tỷ lệ nuôi tôm thành công cũng như hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi tôm ao đất.
CPF-Turbo Program là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học nhằm đạt mục tiêu “3 cao, 1 thấp và không thất bại”. Cụ thể: 3 cao là: tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; 1 thấp là hệ số chuyển đổi thức ăn FCR thấp và không thiệt hại. Còn chương trình 3 sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch.
Yêu cầu các chủ trang trại tham gia CPF - Turbo Program phải làm hệ thống an toàn sinh học. Theo đó, các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, phải đầu tư hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập.
Tổng chi phí ban đầu cho 1ha nuôi tôm trong nhà lên đến hàng tỷ đồng, bao gồm xây ao lắng, xây nhà bao phủ các ao nuôi, lót bạt đáy ao, lắp hệ thống quạt oxy đáy… Toàn bộ ao nuôi tôm đều thiết kế kiểu ao nổi. Thay vì đào ao sâu xuống đất theo phương pháp truyền thống, chỉ đào sâu khoảng 30cm, sau đó xây bờ cao lên trên mặt đất từ 1,7-2m.
Ưu điểm của ao nổi là đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Ao nổi còn có ưu điểm là thuận tiện cải tạo vệ sinh phơi nền đáy được dài ngày nên hạn chế mầm bệnh. Điểm đặc biệt nhất tại các ao nuôi nổi là dưới đáy ao, ngoài việc lót bạt ra còn có 1 hố ga để hút các loại chất thải từ tôm và thức ăn dư thừa. Nhờ đó, nước trong ao luôn sạch, tôm ít bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng, hoại tử gan…
Để quản lý tốt môi trường ao nuôi, 1 ngày phải hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao 2-3 lần. Vì mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên có thể thả tôm nuôi thâm canh với mật độ khá dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 100 ngày thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Bên cạnh đó, mô hình còn ứng dụng công nghệ vi sinh và không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau khi thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong quá trình nuôi, người nuôi còn chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ngoài môi trường tự nhiên trong điều kiện nhiệt độ trong ao dễ thay đổi nhanh chóng, khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt. Bởi lẽ đó, mô hình nuôi tôm trong nhà kính theo hướng ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là ít rủi ro, hạn chế được dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với nuôi tôm truyền thống. Bên cạnh đó, phương pháp nuôi tôm trong nhà kính còn tạo điều kiện nuôi thâm canh, chủ động được thời điểm thu hoạch, giúp người nuôi tôm tránh được tình trạng “được mùa rớt giá”, đặc biệt giá tôm ở trái vụ có thể cao gấp đôi chính vụ.
Hiện nay, huyện Cần Giờ đang có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng và năng suất tôm, qua đó gia tăng thu nhập của người dân.
Dịch bệnh trên tôm luôn là điều ám ảnh người nuôi tôm nước lợ ven biển. Việc ứng dụng công nghệ cao đã giải quyết vấn đề này.
Kỹ sư thủy sản Nguyễn Hoài Nam – Giám đốc Công ty CP kỹ thuật sinh học nông nghiệp Sài Gòn cho biết: “Sau khi tìm hiểu, học hỏi các trang trại nuôi tôm, tôi đã đầu tư trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo công nghệ Biofloc trong nhà kín theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7.500m2 tại xã Tam Thôn Hiệp.
Ương tôm trong nhà kính bể nổi
Giai đoạn đầu: ương tôm trong nhà kính bể nổi, để hạn chế ảnh hướng của thời tiết đến tôm.
Giai đoạn 2: Tôm từ 30 ngày tuổi được đưa ra ngoài, ao nuôi được lót bạt hoàn toàn và có che lưới lan để giảm ánh sáng mặt trời, ngăn sự quang hợp của tảo. Trong bể ương sử dụng quy trình xử lý nước theo công nghệ Biofloc để tạo hệ vi sinh vật dị dưỡng, nó có chức năng tạo môi trường ương tôm.
Ngoài ra trại còn sử dụng quy trình tuần hoàn nước. Nước trong ao nuôi được đi ra 3 ao lắng, xử lý và sẵn sàng đi vào ao nuôi. Tác dụng của tuần hoàn nước là loại thải những độc tố trong nước được hình thành do hợp chất Ni tơ ở trong nước. sau đó nước được đưa vào trong ao nuôi.
Giai đoạn 3: Từ 60 – 75 ngày tuổi trở lên có thể thay nước liên tục đến khi thu hoạch.”
Quy trình này sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học để xử lý nước. Bà Trần Kim Phụng – Phó Giám đốc Công ty CP kỹ thuật sinh học nông nghiệp Sài Gòn cho biết: “Trong nuôi tôm công nghệ cao, kiểm tra môi trường là quan trọng nhất, không thể bỏ qua được. Công ty đo 8 chỉ tiêu trong nước mỗi ngày để kịp kiểm soát chất lượng nước”.
Nhờ có sự đầu tư kỹ lưỡng và quy trình kiểm soát chặt chẽ, tôm thành phẩm đạt chất lượng cao, hạn chế được sự xâm hại dịch bệnh, mang lại hiệu quả tích cực cho người nuôi.