Tính đến tháng 9/2017, diện tích ao nuôi tôm công nghiệp của toàn tỉnh hơn 9.630 ha, giảm 64 ha so cùng kỳ. Gần 300 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh, gây thiệt hại 30 - 70%.
Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước phục vụ sản xuất bị ô nhiễm cùng với dịch bệnh trên tôm nuôi khiến tình hình sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện diện tích ao nuôi tôm công nghiệp đang thả tôm giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau mới đạt 51% so với kế hoạch.
Bên cạnh đó, nuôi tôm công nghiệp tuy đạt nâng suất cao; cụ thể với nuôi tôm sú khoảng 5,5 tấn/ha, tôm thẻ chân trắng khoảng 6,5 tấn/ha nhưng hình thức nuôi tôm này cần vốn đầu tư lớn. Muốn đạt năng suất cao, người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình, kỹ thuật song sẽ gặp rủi ro nếu xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo sở, ngành, chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ về môi trường, chất lượng con giống, vật tư nông nghiệp thủy sản gắn với thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh. Địa phương cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hình thức siêu thâm canh đang phát triển về cả diện tích và sản lượng. Tuy nhiên, các địa phương phải có biện pháp quản lý chặt chẽ vùng nuôi theo quy hoạch, kiểm soát tốt về môi trường, chất lượng con giống, vật tư nông nghiệp.
Cơ quan chuyên môn tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp, chú trọng chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm quảng canh sang nuôi quảng canh cải tiến năng suất cao.