Nhiều hộ điêu đứng vì con tôm
Vuông tôm của ông Phong khoảng 10ha, được chia thành nhiều ao, có diện tích từ 4000m2 trở lên. Các ao lắng nước để xử lý trước khi cho vào ao tôm nuôi cũng được bố trí hợp lý và đủ khả năng cung cấp nước khi cần thiết. Năm 2013, ông không thả giống do đã bị quá nhiều phen nợ nần từ con tôm.
Ông Bảo (xã Thừa Đức, Bình Đại) phân trần: “Tôi đưa tất cả vốn liếng và vay ngân hàng (thế chấp hầu như toàn bộ tài sản có giá trị) để nuôi tôm công nghiệp. Sau khi thất bại liên tục 2 vụ, tôi hết khả năng nuôi tiếp. Đến vụ thứ 3, tôi có giao kèo nợ thức ăn với doanh nghiệp nhưng tôm sú mới hơn 2 tháng tuổi lại thất bại. Doanh nghiệp ngưng bán thức ăn do số tiền vớt vát không thể trang trải đủ cho họ. Trong vụ này, tôi đã thả đến lần thứ 2 trên cùng một ao nuôi nhưng cũng chừng 30 ngày là tôm lại chết! Trong vụ tới, tôi cũng không biết tiền đâu mà nuôi nữa!”
Trong khi đó, ở Ba Tri, có rất nhiều ao “trơ” đáy. Đây là thời điểm giữa vụ, nên tình trạng ao như thế có nghĩa là con tôm đã bị chết giữa chừng. “Vì tôm chết trong nhiều năm liền, nhiều hộ nông dân mất khả năng chi trả vốn vay, buộc ngân hàng phải khoanh nợ xấu hay tiến hành phát mãi đất để thu hồi vốn. Tôi chắc đó không phải là số ít” - anh V., một nhân viên ngân hàng cho biết.
Vì sao tôm chết?
Vài đám mưa trái mùa vào ban đêm hay đợt không khí lạnh tràn về trong những ngày gần đây đã làm cho những nông dân đang thả nuôi tôm biển thâm canh hoang mang. Anh Thanh Hoàng (ở Bình Đại) cho biết: “Vừa thả giống khoảng 10 ngày qua, mưa đêm sẽ ảnh hưởng rất lớn cho sức khỏe con tôm, phải thức suốt đêm để canh quạt chạy để điều hòa không khí, nhiệt độ trong ao”. Vụ tôm vừa qua, anh bị thất thoát rất nhiều nhưng cũng lãi được 60 triệu đồng. Còn trước đó 4 năm liền, anh trắng tay. Riêng 2 vụ gần đây, nhờ có thêm người hùn vốn, anh mới đủ khả năng nuôi tiếp tục.
Ông Lê Văn La - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, nói: “Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm quá cao cũng là nguyên nhân để thành phần amoniac (NH3) trong nước tăng cao; hay người dân thả nuôi với mật độ quá dày, khi tôm chết còn thả lại sau đó nhiều lần trong 1 vụ, do thời gian gần đây giá tôm khá cao đã gây tâm lý nóng vội cho người dân… Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến môi trường bị ô nhiễm và dịch bệnh có điều kiện phát sinh gây chết tôm”.
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản, trong thời gian gần đây, diện tích tôm chết ở các huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại chiếm gần 20% tổng diện tích đã thả nuôi. Trong đó, do thời tiết nhiệt độ thấp nên nhiệt độ trong môi trường nước giảm và đây là điều kiện dễ phát sinh bệnh trên tôm, chủ yếu là bệnh đốm trắng (trên 60%), bệnh phân trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và nhiều thứ bệnh khác.
Việc một số hộ nuôi sau khi tôm bị chết đã tự ý xả tràn lan ra bên ngoài mà không qua xử lý đã ảnh hưởng đến các hộ thả nuôi tôm xung quanh… Đó là những nguyên nhân chủ yếu đã gây ra tình trạng tôm chết trong thời gian qua.