Tuy vậy, thời gian gần đây mô hình nuôi tôm siêu thâm canh phát triển khá nhanh.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 550 hộ nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích nuôi đạt gần 650 ha, năng suất bình quân trên 22 tấn/vụ/ha.
Do nuôi tôm siêu thâm canh đạt hiệu quả về sản lượng, cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so nuôi tôm truyền thống, nên thu hút được nhiều hộ dân trong tỉnh đầu tư cải tạo ao nuôi.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho rằng, phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho năng suất cao là chuyện đáng mừng, song nếu cơ quan chức năng thiếu quy hoạch chặt chẽ, để người dân tư phát nuôi tràn lan thì sẽ dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Hơn thế nữa, còn có vấn đề ô nhiễm môi trường từ việc nuôi tôm tự phát, không đúng quy trình.
Bên cạnh đó, sản lượng tôm nuôi siêu thâm canh tăng nhanh, khiến các cơ sở chế biến đầu vỏ tôm trên địa bàn tỉnh bị quá tải, gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh khuyến khích phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, nhưng phải nằm trong vùng được quy hoạch.
Việc tổ chức mô hình nuôi phải đúng quy trình; cần chú trọng hình thức liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo năng suất và hiệu quả gắn với yếu tố bảo vệ môi trường.
Để ngăn chặn tình trạng người dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các đơn vị có liên quan tiến hành, rà soát nắm chặt tình hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiên quyết không để tình trạng nuôi tôm tự phát ồ ạt trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để nhân dân chấp hành tốt chủ trương của tỉnh về việc quy hoạch vùng nuôi, cũng như thực hiện tái cơ cấu ngành tôm theo hướng bền vững.
Ngành chuyên môn tỉnh cần quy định cụ thể về quy trình nuôi, điều kiện bảo vệ môi trường, nếu người dân không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định thì không được nuôi tôm siêu thâm canh.