Chi phí ban đầu lớn
Nuôi tôm trên cát đang phát triển ngày càng rầm rộ ở nhiều địa phương vùng ven biển. Tuy nhiên, nhiều vùng nuôi mang tính tự phát, chịu nhiều rủi ro nhất định về dịch bệnh, môi trường… Do vậy, mô hình nuôi tôm CNC theo hai giai đoạn với hệ thống nhà bạt được cơ quan chức năng khuyến khích người dân áp dụng.
Theo công nghệ này, người nuôi phải có sự đầu tư nhất định và có thể kiểm soát được dịch bệnh bằng hai hồ nuôi tách biệt được liên kết với nhau. Trong đó, tôm giống sẽ được thả nuôi tại hồ nhỏ để kiểm soát dịch bệnh và sự phát triển của tôm.
Sau khoảng 30 ngày, người nuôi có thể thanh lọc loại bỏ những cá thể giống tôm không đáp ứng yêu cầu rồi chuyển tôm sang hồ nuôi mới. Các dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản theo CNC đối với diện tích 2.000m2 được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà bạt; lắp đặt các thiết bị chuyên dùng như hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, sục khí, xử lý nước cấp, nước thải…
Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Tôm thẻ chân trắng là loài nhạy cảm với môi trường sống, chịu tác động lớn của khí hậu. Do vậy, công nghệ nuôi tôm nhà bạt theo hai giai đoạn được đánh giá tốt khi giúp người nuôi kiểm soát ngay được dịch bệnh trong giai đoạn nuôi thứ nhất. Công nghệ nuôi tôm này chú ý đặc biệt đến việc thanh lọc nguồn giống và xử lý môi trường. Sau khi tham quan các mô hình nuôi hiệu quả tại các địa phương khác, mô hình nuôi này có chi phí đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng/ha, và được Nhà nước hỗ trợ một phần”.
Hiện nay, tại Thừa Thiên Huế, mô hình nuôi tôm CNC của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP được đánh giá cao. Song, đây là mô hình có chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, bởi vật liệu, công nghệ được nhập từ nước ngoài.
“Công nghệ nuôi tôm tại Công ty cổ phần Chăn nuôi CP là công nghệ của Israen. Mỗi ha phải đầu tư từ 4-5 tỷ đồng. Với thực thế nuôi tôm hiện nay thì người dân rất khó để áp dụng. Do vậy, sau khi tìm hiểu, chúng tôi khuyến khích người nuôi áp dụng theo phương thức nuôi hai giai đoạn. Về quy trình nuôi cũng tương tự như của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP, tuy nhiên, nguyên vật liệu để đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ có sẵn trong nước, không phải nhập ngoại, vì thế chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP”, bà Hồng cho hay.
Nuôi tôm trên cát tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải (huyện Phong Điền)
Mới có 2 hộ đăng ký
Chính sách hỗ trợ nuôi tôm theo CNC nằm trong các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020. Đến nay đa số người dân vẫn chưa mạnh dạn đăng ký nuôi tôm theo mô hình này.
Anh Lê Viết Sáng (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền), một trong những người có kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm cho rằng, so với các mô hình kinh tế khác, đầu tư nuôi tôm có chi phí cao hơn rất nhiều, trung bình mỗi hồ nuôi ước chừng đầu tư khoảng 600 triệu đồng. Hiện nay, người nuôi thường mua lại hồ của người khác và cải tạo lại để nuôi chứ không đầu tư đào hồ mới. Do vậy, chi phí thấp hơn nhiều so với nuôi tôm theo công nghệ hai giai đoạn.
“Với phương thức nuôi truyền thống, tôm giống sẽ được thả vào một hồ và chăm sóc đến khi tôm cho thu hoạch. Với quy trình nuôi theo hai giai đoạn sẽ tách biệt 2 hồ, và người dân muốn chuyển qua hình thức này bắt buộc phải bỏ ra kinh phí, cải tạo, phân chia hồ lại ngay từ đầu; theo đó sẽ tốn thêm một phần kinh phí đầu tư trang thiết bị. Do vậy, đa số người dân sẽ không mặn mà để cải tạo”, anh Sáng nói.
Theo bà Phan Thị Thu Hồng, tư duy cũng như kỹ thuật nuôi của người dân hiện rất khó thay đổi. Người nuôi muốn ổn định theo cách nuôi truyền thống, điều đó dẫn đến việc khó áp dụng công nghệ nuôi hai giai đoạn vào đại trà.
“Đã có 2 hộ dân đăng ký nuôi theo quy trình CNC, tuy nhiên họ vấp phải nhiều khó khăn nên không thể đầu tư. Cụ thể, vị trí nuôi của những hộ dân này không đảm bảo, đến năm 2020, đất của họ sẽ bị thu hồi theo quy định. Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền về lợi ích của việc nuôi tôm theo công nghệ hai giai đoạn đến người dân; ngoài ra, từng bước tổ chức tập huấn về kỹ thuật, quy trình nuôi trồng đến người dân; qua đó, góp phần làm thay đổi tư duy người nuôi, hướng đến nuôi tôm bền vững”, bà Hồng chia sẻ.
“Tại Thừa Thiên Huế, ứng dụng vào nuôi trồng thủy sản chủ yếu đối với tôm. Đối với các loài thủy sản khác như cá lồng cũng đã có dự án khoa học công nghệ “Xây dựng mô hình quản lý và nuôi một số loài cá có giá trị kinh tế cao bằng lồng của Đan Mạch ở vùng cửa biển”. Sau một năm áp dụng dự án, hiệu quả bước đầu đã thấy rõ, lồng bè được cải tiến và có những ưu điểm như, công nghệ lồng hiện đại với vật liệu bền, nổi, di chuyển và tháo lắp dễ dàng, chịu được sóng gió,…”, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết.