Còn nhiều khó khăn
Nghề nuôi tôm thẻ trong vài năm trở lại đây có dấu hiệu chững lại và phân hóa rõ rệt. Dễ dàng nhận thấy ở những hệ thống ao nuôi có đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng và cập nhật ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tốt, đã cho kết quả khả quan về năng suất và hiệu quả kinh tế. Ngược lại, ở những hệ thống nuôi có cơ sở hạ tầng kém, thiếu đầu tư đã không thành công. Nhìn chung về diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tính đến nay có phần giảm, nhưng lại phát triển các hình thức nuôi tôm công nghệ cao chất lượng và kỹ thuật bền vững hơn.
Từ năm 2014 đến nay, sau những dịch bệnh và lao dốc, nghề nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh đang dần hồi phục. Các hộ dân có nguồn tài chính đã mạnh dạn học hỏi, cải tiến ứng dụng các quy trình mới vào sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi tôm được chú trọng đầu tư theo đúng yêu cầu kỹ thuật và có tính kỷ luật trong việc tuân thủ mùa vụ. Chính vậy, nghề nuôi tôm cho thấy sự phát triển trở lại một cách ổn định. Tuy vậy, thời tiết khí hậu diễn biến bất thường, thị trường biến động không ổn định, gây khó khăn cho các ngư dân trong quá trình đầu tư nuôi tôm. Vấn đề lớn nhất đặt ra là trong bối cảnh hiện nay, làm sao tổ chức cho các hộ dân có nguồn kinh phí hạn hẹp vẫn có thể nuôi tôm hiệu quả? Và làm sao để kiểm soát được các yếu tố đầu vào của nghề nuôi tôm như tôm giống, thức ăn?
Nghề nuôi tôm chịu tác động trực tiếp từ diễn biến thời tiết, khí hậu. Biến đổi khí hậu những năm gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển của nghề nuôi tôm. Bên cạnh yếu tố tự nhiên, những khó khăn từ yếu tố cơ sở hạ tầng, con người cũng ảnh hưởng đáng kể đến nghề nuôi tôm như chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi, ý thức tuân thủ mùa vụ, tính cộng đồng trong sản xuất ở một bộ phận người nuôi xem nhẹ và nhiều vấn đề về kỹ thuật như thả mật độ quá cao, thả nuôi trái vụ…
Hướng đến hiệu quả hơn
Bên cạnh những khó khăn ảnh hưởng đến phát triển nghề nuôi tôm, phải kể đến những lợi thế nghề nuôi tôm ở Bình Thuận vì có nguồn cung con giống khá lớn với 131 cơ sở/638 trại giống. Người nuôi có điều kiện tiếp cận những công nghệ nuôi tôm mới hiệu quả thông qua kênh khuyến nông - khuyến ngư. Về phía Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, ông Nguyễn Tám - Giám đốc Trung tâm cho biết, đơn vị là cơ quan tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất. Những năm gần đây, trung tâm đã triển khai nhiều mô hình nuôi tôm theo hướng GAP, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình GAP, các buổi hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm về mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ bán biofloc, nuôi tôm sử dụng hệ thống quạt kết hợp sục khí đáy đã mở ra hướng đi mới và bền vững cho nghề nuôi tôm công nghiệp tại Bình Thuận. Về hướng tới, ông Nguyễn Tám cho biết, trung tâm khuyến khích và tạo điệu kiện thuận lợi để người nuôi dễ dàng tiếp cận và học tập những mô hình sản xuất tiên tiến. Đồng thời xây dựng các mô hình nuôi áp dụng hệ thống lọc tuần hoàn khép kín để hạn chế phụ thuộc quá nhiều từ nguồn nước bên ngoài trong suốt quá trình nuôi. Chú trọng tuyên truyền giúp nâng cao trách nhiệm và ý thức cộng đồng, tuân thủ mùa vụ, nói không với kháng sinh, chất cấm. Khuyến khích phát triển hình thức nuôi theo tổ hợp tác để cùng sản xuất, quản lý và kiểm soát vùng nuôi…
Tại hội thảo chuyên đề về “Quy trình nuôi tôm kiểm soát dịch bệnh và các biện pháp tổ chức sản xuất hiệu quả” được tổ chức mới đây, ông Phạm Kim Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã hướng bà con nông dân một quy trình nuôi tôm thương phẩm hiệu quả nhất, đó là “Quy trình nuôi tôm có trách nhiệm”. Trong đó, nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm thẻ nói riêng cần có sự phối hợp, thống nhất và cùng hành động. Nuôi tôm muốn đạt được hiệu quả về kinh tế, có được sản phẩm an toàn, được cộng đồng chấp nhận và không ảnh hưởng tới môi trường - hướng bền vững thì cần tuân theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, đồng thời bà con hướng tới biện pháp nuôi như GAP, VietGAP hay hướng GAP.