Hai mặt của vấn đề
Một nghiên cứu gần đây các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra nuôi trồng thủy sản cũng có thể khiến mực nước biển dâng cao. Nghiên cứu phát hiện ra rằng việc khai thác nước ngầm cho các trang trại nuôi cá làm cho đất chìm ở mức 1/4 mét mỗi năm, mức độ sụt lún này đang khiến mực nước biển dâng.
Sahya Maulu từ Trung tâm Phi chính phủ Zambia chỉ ra những tác động tiêu cực đối với thủy sản như gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn và đầm lầy, gây thiệt hại đến nguồn cá tự nhiên và nguồn cá giống cung cấp cho nuôi trồng thủy sản.
Với sự tăng lên của mực nước biển, diện tích các vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn và ngập lụt cũng tăng lên nghiêm trọng. Đồng thời, ảnh hưởng đến dòng chảy của các con sông, gây xói lở, phá hủy các công trình thủy lợi và tác động hệ thống nuôi trồng thủy sản ven biển. Nước mặn cũng sẽ ảnh hưởng đến ao, lồng, bể và chuồng, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng. Các thay đổi về thành phần loài, sự phong phú và phân bố của các sinh vật cũng như năng suất của hệ sinh thái cũng có thể thay đổi.
Gần đây, các dự báo cũng đều khẳng định, mực nước biển của nước ta có thể tăng thêm 33,3cm vào năm 2050 và 45cm vào năm 2070, khoảng 1m vào năm 2100. Nếu kịch bản này diễn ra, nhiều khu vực đất liền ven biển và vùng đất trũng sẽ bị chìm trong nước. Thậm chí, có khu vực sẽ bị ngập sâu vĩnh viễn.
Song, Tiến sĩ Manoj Shivlani nhận định: Với sự thay đổi đáng kể về mực nước biển dâng trên toàn bang Florida, từ đó có thể thấy nhiều đất ngập hơn. Sẽ không thể tránh khỏi việc mất đất và lũ lụt thường xuyên, đặc biệt là ở những vùng đất trũng ven biển, nhưng một số trang trại nuôi ngao có thể được hưởng lợi một phần.
Maulu cũng đồng ý rằng mực nước biển dâng cao có thể mang lại một số mặt tích cực. Ví dụ, số lượng các khu vực thích hợp cho nuôi nước lợ của các loài như tôm và cua biển có thể tăng lên và mang đến những cơ hội mới, đặc biệt là ở các khu vực ven biển.
Nuôi trồng thủy sản thích ứng với nước biển dâng. Ảnh: BR-VT
Thích ứng và giảm thiểu
Andreas Kunzmann, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Biển Nhiệt đới Leibniz ở Bremen- Đức, cho biết với những rủi ro về biến đổi khí hậu có thể gia tăng theo các dự báo hiện nay, nuôi trồng thủy sản sẽ cần phải giảm thiểu và thích ứng. Điều này có thể được thực hiện thông qua nghiên cứu về hệ thống miễn dịch của các sinh vật - những động vật khỏe hơn như cá vược có thể chịu đựng các nhiệt độ hoặc độ mặn khắc nghiệt tốt hơn những loài khác - hoặc bằng cách kết hợp thức ăn bổ sung với vitamin, axit béo thiết yếu và khoáng chất để giảm thiểu tác động của căng thẳng.
Trong đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng duyên hải Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ” các mô hình nuôi trồng thủy như: Nuôi quảng canh cải tiến tôm kết hợp tôm - lúa, tôm - rừng, kết hợp với cua, rong câu, các loại cá nước lợ, nuôi quảng canh cải tiến cá biển, nhuyễn thể nuôi ngao bãi triều hoặc trong ao đầm nước lợ... là những mô hình có tiềm năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Việc nước biển dâng hiện nay là không thể ngăn chặn được, chỉ còn cách hạn chế đến mức tối đa và thích ứng. Maulu khẳng định rằng "Chúng tôi không kiểm soát được mực nước biển dâng, nhưng chúng tôi có thể chọn tập trung vào các hoạt động tích cực và cải tạo cách nuôi trồng thủy sản có thể thích ứng".
Nguồn: Bonnie Waycott. Give and take: Aquaculture in a future of rising sea levels, Global Seafood, Responsibility, 04/04/2022