Nhiệt độ nước gây nhiều hạn chế trong sản xuất nuôi trồng thủy sản, và trong hầu hết các hệ thống nuôi, chúng đều chịu sự kiểm soát của khí hậu. Các loài thủy sản nuôi tại bất kỳ địa điểm cụ thể nào cũng cần phải được chọn lọc sao cho phạm vi chịu đựng nhiệt độ của loài hài hòa với khí hậu địa phương và phạm vi nhiệt độ nước bình thường. Thời điểm thả giống và thu hoạch nên thực hiện trong khoảng thời gian có nhiệt độ nước thích hợp.
Trong nuôi tôm, người ta biết rõ rằng tốc độ tăng trưởng của tôm vào mùa lạnh kém hơn vào mùa nóng, dẫn đến kết quả là thời gian nuôi để tạo ra một con tôm cỡ nhất định vào mùa lạnh sẽ dài hơn so với mùa nóng. Tốc độ của các phản ứng hóa học tăng theo hệ số 2 hoặc 3 khi nhiệt độ tăng thêm 10℃. Điều này cũng áp dụng cho các quá trình sinh lý điều chỉnh tăng trưởng.
Trong phạm vi nhiệt độ tối ưu cho động vật thủy sinh, tốc độ tăng trưởng của chúng thường sẽ tăng gần gấp đôi khi tăng 10℃ trong phạm vi nhiệt độ thuận lợi cho sự phát triển. Điều này tương đương với mức tăng trưởng khoảng 10% cho mỗi bước tăng 1℃. Tất nhiên, mỗi loài có một nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển khác nhau, và khi vượt quá mức này, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.
Nhiều người tin rằng lượng mưa sẽ làm tăng nồng độ oxy hòa tan trong ao. Mặc dù mưa cung cấp oxy hòa tan khi nó rơi xuống; nhưng do lượng mưa rơi vào ao không lớn nên lượng oxy được cung cấp rất khiêm tốn. Ví dụ như, một cơn mưa 10 cm với nhiệt độ nước mưa là 20℃ sẽ cung cấp 9.070 gam oxy hòa tan. Trong một ao sâu 1,5 mét, lượng oxy hòa tan này chỉ là 0,60 miligam mỗi lít (mg/L), tuy nhiên, thực tế là hầu hết các trận mưa đều dưới 10 cm.
Nhiệt độ nước cao hơn thì lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn. Ví dụ, nước ngọt ở 20℃ và áp suất khí quyển tiêu chuẩn chứa 9,07 mg/L oxy hòa tan, nhưng ở 30℃, chỉ chứa 7,54 mg/L oxy hòa tan. Tuy nhiên, nếu cả hai trường hợp trên mà 100% oxy hòa tan bão hòa thì động vật thủy sinh có xu hướng phản ứng với phần trăm độ bão hòa của oxy hòa tan hơn là nồng độ (mg/L) của oxy. Ngoài ra, tốc độ hô hấp tăng theo nhiệt độ, và lượng oxy hòa tan sẽ ít hơn ở nhiệt độ cao hơn, khi quá trình hô hấp sử dụng nhiều oxy hòa tan hơn.
Tác động tiêu cực của gió mạnh trong ao chủ yếu làm tăng xói mòn ao do sóng đánh vỡ bờ bao. Ảnh Tepbac
Hiện tượng nhiều mây, đặc biệt là khi bầu trời bị mây che hoàn toàn sẽ làm giảm lượng ánh sáng có sẵn để thực vật phù du quang hợp trong ao. Điều này có thể dẫn đến nồng độ oxy hòa tan thấp hơn vào cuối ngày và ban đêm khi quá trình quang hợp kết thúc. Do đó, bầu trời nhiều mây và đặc biệt là những ngày u ám liên tiếp có thể dẫn đến stress hoặc thậm chí là chết thủy sản nuôi do nồng độ oxy hòa tan giảm vào ban đêm trong ao không có sục khí hoặc sục khí không đủ.
Ở những khu vực có gió mạnh phổ biến, những cơn gió này tạo ra tác động sóng làm tăng tốc độ trao đổi oxy với không khí. Điều này giúp cải thiện quá trình oxy hóa và khuếch tán cũng như chuyển hóa các khí độc như NH3, CO2 và H2S từ nước. Sự hòa trộn nhờ gió cũng ngăn ngừa sự phân tầng nhiệt trong các ao nuôi trồng thủy sản và tạo ra sự luân chuyển oxy qua đáy ao, tránh hiện tượng yếm khí giữa các vùng trầm tích-nước.
Tác động tiêu cực của gió mạnh trong ao chủ yếu làm tăng xói mòn ao do sóng đánh vỡ bờ bao. Ngoài ra, trong các ao có tảo nở hoa dày đặc, gió mạnh cũng có thể tạo thành các váng tảo lớn dọc theo bờ ao và đặc biệt là ở các góc ao. Gió mạnh có thể gây ra sự mất ổn định nhiệt của các vùng nước, ngay cả ở khu vực nhiệt đới. Các vùng nước sâu hơn có thể bị mất hoàn toàn lượng oxy hòa tan, chúng sẽ được trộn lẫn với các vùng nước bề mặt giàu oxy và làm loãng nồng độ oxy hòa tan. Hơn nữa, vùng nước sâu cũng chứa một lượng lớn chất hữu cơ và các chất khử khác. Những thành phần này có thể gây mất oxy hòa tan khỏi bề mặt nước khi hai lớp nước bị trộn lẫn. Hiệu ứng này đã dẫn đến nhiều vụ chết cá trên các lồng nuôi trồng thủy sản trong hồ những năm qua.
Đọc tiếp phần 2 tại đây.
Nguồn: Claude E. Boyd (26/10/2020). Effects of weather and climate on aquaculture. Global Aquaculture Advocate, https://www.globalseafood.org/advocate/effects-of-weather-and-climate-on-aquaculture/, viewed from 4/1/2022