Sinh vật này có tuổi đời 555 triệu năm, được đặt tên là Quaestio simpsonorum được công bố trong một nghiên cứu được đăng ngày 3/9/2024 trên tạp chí Evolution & Development. Nhưng sinh vật dường như đơn giản này ẩn chứa một phát hiện thú vị: phần lồi ra có hình "dấu hỏi ngược" trên lưng là ví dụ đầu tiên được ghi nhận về mô hình cơ thể bất đối xứng, một bước quan trọng trong tiến hóa của sự sống phức tạp.
Các hóa thạch này được phát hiện tại Công viên Quốc gia Nilpena Ediacara ở Nam Úc, nơi đã được khai quật trong nhiều thập kỷ. Nhiều hóa thạch động vật phức tạp sớm nhất đã được tìm thấy ở những ngọn đồi sa mạc hẻo lánh này, nhưng chưa từng có gì giống Quaestio simpsonorum từng được phát hiện trước đó.
Scott Evans, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bang Florida và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Sinh vật này nhỏ hơn bàn tay và có hình dấu hỏi ở giữa cơ thể, phân biệt rõ ràng giữa bên trái và bên phải. Không có hóa thạch nào từ thời điểm này cho thấy kiểu tổ chức cơ thể này một cách rõ ràng như vậy."
Sự bất đối xứng của Quaestio simpsonorum có thể đã là một đặc điểm tiến hóa mang tính đột phá trong kỷ Ediacaran (635 triệu đến 541 triệu năm trước), rất lâu trước khi có sự bùng nổ của kỷ Cambri. Theo một ấn phẩm năm 2016 của tạp chí Philosophical Transactions of the Royal Society B, khả năng một sinh vật để tạo ra một mẫu cơ thể bất đối xứng là "hiện tượng đáng chú ý", cho phép sự sống tiến hóa các bộ phận cơ thể phức tạp hơn so với cơ thể hoàn toàn đối xứng. Ví dụ, bất đối xứng cho phép con người tiến hóa trái tim ở phía bên trái và gan ở phía bên phải của cơ thể.
Cận cảnh Quaestio simpsonorum. Ảnh: Evans và cộng sự , doi: 10.1111/ede.12491
Evans nói: "Là những động vật hóa thạch lâu đời nhất, hệ động vật Ediacara có thể cho chúng ta biết rất nhiều về các quá trình phát triển ban đầu. Vì động vật ngày nay sử dụng cùng một chương trình di truyền cơ bản để hình thành các bên trái và phải, chúng ta có thể tự tin rằng những gen đó cũng hoạt động để tạo ra những đặc điểm này ở Quaestio simpsonorum, một sinh vật đã tuyệt chủng hơn nửa tỷ năm trước".
Bằng chứng rõ ràng rằng Quaestio simpsonorum có thể di chuyển cũng làm các nhà nghiên cứu hào hứng. Những dấu vết hóa thạch được tìm thấy ngay phía sau một trong những hóa thạch của Quaestio, cho thấy sinh vật này có thể di chuyển và hút thức ăn trên đáy đại dương.
Mary Droser, nhà cổ sinh vật học tại Đại học California, Riverside và là tác giả chính của nghiên cứu, nói: "Điều này cực kỳ sâu sắc để kể cho chúng ta câu chuyện về sự phát triển của sự sống động vật trên Trái đất. Chúng ta là hành tinh duy nhất được biết là có sự sống, vì vậy khi tìm kiếm sự sống trên các hành tinh khác, chúng ta có thể quay ngược thời gian trên Trái đất để xem sự sống đã tiến hóa trên hành tinh này như thế nào".
Theo Sierra Bouchér, Live Science