Lưu vực Na Dương nằm ở tỉnh Lạng Sơn, gần biên giới Trung Quốc. Đây là một trong số ít các khu vực ở Đông Á và Đông Nam Á có chuỗi trầm tích lục địa hoàn chỉnh từ giai đoạn giữa Thế Eocen sang giai đoạn giữa Thế Oligocen. Lưu vực này là một phần trong đới đứt gãy Cao Bằng - Tiên Yên và có diện tích 45 km2. Hệ tầng Na Dương dày 240 m với phần trên 140 m hiện ra ở mỏ than lộ thiên Na Dương.
Năm 2011, tại Na Dương, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Tiến hóa Con người và Môi trường Cổ sinh Senckenberg tại Đại học Eberhard Karls, Tübingen (Đức) đã phát hiện hóa thạch của một loài cá sấu chưa từng được biết đến trước đây. Bộ xương dài gần 4 mét được bảo tồn gần như nguyên vẹn, thuộc nhóm cá sấu mõm dài, họ gharial. Hóa thạch có niên đại 35 đến 39 triệu năm, cung cấp thông tin mới về sự di cư của những con cá sấu từ quê hương chúng ở Bắc Phi và Tây Âu đến Đông Nam Á. Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Systematic Palaeontology.
Những con cá sấu gharial có mõm dài và chuyên bắt cá. Các loài thuộc họ này hiện đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng: cá sấu Mã Lai (Tomistoma schlegelii) ở bán đảo Mã Lai, đảo Borneo, đảo Sumatra và đảo Java; cá sấu Ấn Độ (Gavialis gangeticus) ở Nepal và Ấn Độ. Mặc dù các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành nhiều nghiên cứu về gen, hiện vẫn chưa có bằng chứng nào đủ thuyết phục cho thấy mối liên hệ chính xác giữa các loài cá sấu này.
Hộp sọ của loài cá sấu Maomingosuchus acutirostris từ trầm tích hồ có niên đại 35-39 triệu năm ở Việt Nam. Ảnh: Đại học Eberhard Karls, Tübingen
Hóa thạch cho thấy cá sấu gharial đã sống ở Đông Nam Á hơn 39 triệu năm trước, nhưng các nhà cổ sinh vật học tin rằng loài cá sấu này đã tồn tại từ cách đây hơn 50 triệu năm ở phía Tây đại dương Tethys, chính là Biển Địa Trung Hải ngày nay. Họ có thể khẳng định như vậy dựa trên những phát hiện hoá thạch của họ hàng cá sấu Mã Lai ở Bắc Phi và châu Âu. Tuy nhiên, rất khó để xác định cách thức, lý do và thời điểm chính xác loài này đến Nam Á.
Loài cá sấu vừa được phát hiện tại di chỉ Na Dương được đặt tên là Maomingosuchus acutirostris (“acutirostris” trong tiếng Latinh có nghĩa là “loài mõm nhọn") và - cùng với những loài cá sấu được phát hiện từ trước tại miền Nam Trung Quốc và Thái Lan - là đại diện lâu đời nhất của họ hàng cá sấu Mã Lai ở châu Á. “Các kết quả chỉ ra rằng những loài này di cư đến châu Á không chỉ một lần, mà đó là một chuỗi sự kiện phức tạp”, Giáo sư Tobias Massonne thuộc Trung tâm Tiến hóa Con người và Môi trường Cổ sinh Senckenberg tại Đại học Tübingen, cho hay.
"Các dữ liệu cho thấy họ hàng của cá sấu Mã Lai đã đến Đông Nam Á ba lần riêng rẽ. Cuộc "viễn chinh" đầu tiên của loài Maomingosuchus từ Bắc Phi và Tây Âu sang Đông Á đã diễn ra vào thời kỳ Eocene, hơn 39 triệu năm trước."
Năm 2019, nhóm nghiên cứu đã phát hiện một loài cá sấu chưa từng được biết đến trước đây (Orientalosuchus naduongensis), dài khoảng hai mét, cũng tại địa điểm này. Cả hai loài cá sấu, Orientalosuchus mõm ngắn và Maomingosuchus mõm dài, đều sống trong những hồ nước tại miền Bắc Việt Nam. Họ hàng gần của cả hai loài cũng sống vào thời điểm tương tự ở miền Nam Trung Quốc và Thái Lan. "Ba khu vực nơi tìm thấy Maomingosuchus và họ hàng của Orientalosuchus rất gần nhau, điều đáng chú ý là chúng là những loài khác biệt và không có loài nào xuất hiện cùng lúc ở cả ba khu vực. Chúng tôi coi đây là bằng chứng về sự đa dạng của cá sấu ở châu Á tại thời điểm đó", Giáo sư Madelaine Böhme, người dẫn đầu dự án khai quật ở Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2012, cho biết thêm.