Số tàu cá trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 2.041 tàu, tăng 97 tàu so với năm 2015. Trong đó, loại từ 20CV đến dưới 90CV là 179 chiếc; loại từ 90CV trở lên là 585 chiếc. Hiện nay công tác kiểm tra, công nhận đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP đối với tàu cá còn nhiều khó khăn.
Trao đổi với ngư dân các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng được biết, theo thói quen việc bảo quản sản phẩm sau đánh bắt của tàu khai thác xa bờ là sau khi rửa sạch, để ráo nước sử dụng đá lạnh để bảo quản. Kết thúc mỗi chuyến biển, các tàu đều thực hiện tổng vệ sinh bằng nước biển. Ngoài ra, hầu hết tàu khai thác xa bờ hiện nay đều đóng bằng vỏ gỗ, vật liệu cách nhiệt của hầm bảo quản của các tàu chủ yếu làm từ xốp (bọt biển) ghép, chỉ có một số ít tàu được trang bị hầm xử lý bảo quản thủy sản hiện đại. Chính vì vậy rất khó để ngư dân giữ vệ sinh sạch sẽ, cách nhiệt hiệu quả cho hầm cá.
Hệ thống hầm lạnh bảo quản cá
Anh Nguyễn Văn Quảng, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) cho biết: “Ngư dân chúng tôi hầu hết ai cũng nhận thấy lợi ích thiết thực của những hầm bảo quản được làm bằng nguyên liệu hiện đại nhưng do giá cao nên các chủ tàu chưa đủ khả năng đầu tư”. Việc bảo quản các sản phẩm đánh bắt chủ yếu được các tàu sử dụng đá lạnh, nhưng trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, để duy trì được nhiệt độ bảo quản theo quy định thì các tàu phải tốn khá nhiều chi phí vận chuyển đá lạnh hoặc phải kết thúc chuyến biển sớm hơn mới đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhiều chủ tàu cá vì lợi ích trước mắt ham đánh bắt mà không chú ý đảm bảo đủ lượng đá bảo quản, kéo dài thời gian bám biển dẫn đến chất lượng sản phẩm bị giảm sút.
Để đảm bảo ATVSTP trên tàu cá, thời gian qua, Sở NN và PTNT cùng các cơ quan chức năng đã thường xuyên kiểm tra và lấy mẫu thủy sản khai thác trên tàu cá và ở các cơ sở thu mua cá để xét nghiệm chất lượng ATVSTP trên tàu cá, đồng thời nhằm phát hiện ngư dân có sử dụng các chất bảo quản bị cấm không để ngăn chặn. Sau khi lấy mẫu đi phân tích, đến nay chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng các chất cấm để bảo quản sản phẩm trong quá trình đánh bắt.
Sở NN và PTNT thường xuyên nhắc nhở chủ các tàu thuyền nâng cao ý thức, trách nhiệm; khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn ngân hàng để nâng cấp, cải tiến các thiết bị trên tàu, thuyền; phát triển các tàu dịch vụ để vận chuyển, cung ứng vật tư, nhiên liệu cũng như đưa sản phẩm vào đất liền, nhằm giúp ngư dân tăng thời gian bám biển và rút ngắn thời gian lưu giữ sản phẩm trên tàu. Bên cạnh đó, mỗi tàu cá đều xây dựng nội quy riêng về ATVSTP; phổ biến cho các thuyền viên về công tác vệ sinh, khử trùng thiết bị, sàn tàu, hầm chứa, dụng cụ chứa… sau mỗi chuyến đi biển; quy định rõ phương pháp, tần suất làm vệ sinh cho phù hợp với từng loại tàu cá và xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng thuyền viên với từng việc trên tàu. Đặc biệt, mỗi thành viên trên tàu phải nắm vững các biện pháp phòng tránh nhiễm bẩn hoặc làm hư hại đến thủy sản trong quá trình tiếp nhận, xử lý, chế biến, bảo quản, bốc dỡ và vận chuyển. Việc bốc dỡ và vận chuyển thủy sản lên bờ phải tiến hành cẩn thận và nhanh chóng, không làm thủy sản bị dập nát hay bị nhiễm bẩn trong quá trình thao tác. Sau khi dỡ hàng, bề mặt của khoang chứa, dụng cụ chứa, sàn tàu phải được vệ sinh và khử trùng cẩn thận. Khoang chứa sau khi làm vệ sinh phải được thông gió tốt. Các dụng cụ chứa phải được kê xếp gọn gàng, để nơi khô ráo, thoáng khí. Nước đá đã sử dụng trong bảo quản thủy sản không được sử dụng lại. Ngoài ra, Sở NN và PTNT cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về ATVSTP trên tàu cá nói riêng và trong lĩnh vực thủy sản nói chung; khuyến khích ngư dân đánh bắt vùng biển xa thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tương trợ nhau trong quá trình đánh bắt cũng như bảo quản sản phẩm; khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp đóng mới các tàu dịch vụ có đầy đủ điều kiện bảo quản thủy sản sau khai thác đảm bảo chất lượng ATVSTP.
Việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ ATVSTP trên tàu cá mới đảm bảo an toàn chất lượng nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở thu mua, chế biến, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thực sự đạt chất lượng, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho thủy sản, tạo việc làm cho nhiều người lao động.