Hiện tại, trên địa bàn xã có 214 tàu thuyền, trong đó có 55 tàu công suất lớn trên 40CV phục vụ đánh bắt xa bờ. Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo thành lập các đội tàu khai thác xa bờ, xã còn chú trọng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 168ha... Năm 2018, tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã ước đạt 3.350,5 tấn, khai thác ước đạt 2.134,5 tấn, tổng giá trị thu nhập (đã trừ chi phí) ước đạt 141,5 tỷ đồng.
Phát huy lợi thế, huyện Đầm Hà đã tích cực tranh thủ từ nhiều nguồn vốn, đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh khu vực biển, đảo, vùng ven biển, đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết ngành, thực hiện công tác cải cách hành chính, tích cực hỗ trợ GPMB... Cùng với đó việc nâng cao năng lực khai thác đánh bắt hải sản cũng được quan tâm. Hiện toàn huyện có 392 tàu thuyền đánh bắt.
Lĩnh vực nuôi trồng đã đóng góp đáng kể đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đầm Hà, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân, đặc biệt là khu vực ven biển. Huyện đã xây dựng được hai vùng nuôi trồng thuỷ sản là: Vùng nuôi tôm hàng hoá tập trung tại 4 xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích trên 300ha; vùng nuôi nhuyễn thể hàng hoá tập trung tại xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập với diện tích khoảng 500ha.
Năm 2018, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 815ha với tổng số 831 ô lồng, bè nuôi trồng thủy sản. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 8.957 tấn, trong đó, sản lượng khai thác 3.368 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 5.589 tấn (nuôi tôm 2.990 tấn).
Sản xuất cá biển giống tại Công ty CP Đầu tư và phát triển thủy sản Bắc Việt (xã Đầm Hà).
Việc tập trung phát triển ngành Thủy sản theo hướng CNH, HĐH; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị, đảm bảo VSATTP và bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản theo khu vực quy hoạch đạt 1.133ha, chiếm khoảng 53% diện tích tiềm năng nuôi trồng của toàn huyện (mục tiêu toàn huyện là 2.100ha).
Huyện đã tích cực đẩy nhanh công tác xúc tiến đầu tư và có nhiều hỗ trợ ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Tiêu biểu như việc chủ động ứng trước nguồn kinh phí để GPMB 180ha đất sạch bàn giao cho dự án nuôi tôm công nghệ cao của Công ty CP Thủy sản Việt - Úc. Một số dự án đầu tư nuôi thủy sản đang được xúc tiến thực hiện như: Trung tâm Sản xuất công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống thuỷ sản của Tập đoàn BIM Việt Nam; Dự án nuôi trồng thủy sản trên biển tại vụng Thoi Dây của Công ty Thiên Hoàng Minh...
Bên cạnh đó, Đầm Hà cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển đảo, du lịch sinh thái... nhất là khai thác tiềm năng của đảo Đá Dựng - một hòn đảo hoang sơ được thiên nhiên ưu đãi, hội tụ đủ những yếu tố để phát triển du lịch sinh thái (cách khu du lịch Vân Đồn hơn 10km), đây là tiềm năng lớn để mở rộng liên kết vùng phát triển kinh tế biển.
Có thể thấy, Đầm Hà đã và đang phát huy tốt lợi thế, tiềm năng tự nhiên sẵn có để phát triển ngành kinh tế biển theo hướng bền vững.