Những năm gần đây, ngành NTTS trong vùng không ngừng phát triển mạnh với mức tăng trưởng đáng kể qua từng năm, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước hàng tỉ USD. Tuy nhiên, những tác động của nền kinh tế thế giới cùng những thực trạng tồn tại trong nước đã và đang đặt ra cho ngành thủy sản ĐBSCL những thách thức không nhỏ. Song đó cũng là cơ hội để ngành thủy sản ĐBSCL khẳng định vị thế của mình thông qua việc biến những thách thức thành thuận lợi…
Những số liệu thống kê cho thấy, những năm qua ngành thủy sản ĐBSCL vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng kể. Sự phát triển ấy đã phần nào giải quyết được những mục tiêu kinh tế xã hội cục bộ, nhưng chưa khẳng định được sự phát triển nổi trội về chất lượng sản phẩm để đáp ứng đòi hỏi ngày càng gắt gao của thị trường. Trong khi nhiều khó khăn nội tại vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm thì hàng loạt những thách thức đang được tiếp tục đặt ra cho toàn vùng.
Những cột mốc đáng nhớ
Trong năm 2011, lần đầu tiên tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt trên 5,2 triệu tấn (tăng 2,1 lần so với năm 2001, bình quân tăng 8,82%/năm). Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3 triệu tấn (tăng 4 lần so với năm 2001, bình quân tăng 17,73%/năm). Sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 2,2 triệu tấn (tăng 1,27 lần so với năm 2001, bình quân tăng 7,4%/năm). Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 164 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011 của cả nước đạt 6,11 tỉ USD (tăng 2,4 lần so với năm 2001, bình quân tăng 13,16%/năm).
Theo Bộ NNPTNT, trong 9 tháng đầu năm 2012, sản lượng thủy sản của cả nước tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản lượng khai thác thủy sản tăng trên 6%, sản lượng nuôi tăng 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỉ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ và dự báo có khả năng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2012 là 6,5 tỉ USD.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: Việt Nam luôn đứng trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Đây sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn, thị trường thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh gay gắt. Cũng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, ĐBSCL với những tiềm năng to lớn đã có những đóng góp quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống kinh tế xã hội trong khu vực...
Khó từ trong ra ngoài…
Dù đạt được những thành quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, thực tiễn đang cho thấy việc phát huy thế mạnh và tiềm năng thủy sản ĐBSCL vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn.
Bà Dương Phương Thảo – Vụ phó Vụ Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương - cho biết: Trong 100% tăng thêm của tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, thì có đến hơn 80% là do tăng sản lượng tạo ra, chỉ khoảng 20% là do tăng giá. Sự phát triển nhanh theo chiều rộng đã giải quyết phần nào các mục tiêu kinh tế xã hội cục bộ trước mắt, nhưng chưa khẳng định được sự phát triển nổi trội về chất lượng sản phẩm dẫn đến hệ thống sản xuất kinh doanh của các DN xuất khẩu thủy sản chưa có khả năng đổi mới và đa dạng hóa mạnh mẽ các sản phẩm xuất khẩu nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và đáp ứng những đòi hỏi của thị trường.
Ngoài ra, công tác dự báo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước còn rất hạn chế, các DN không xây dựng được chiến lược kinh doanh. Nhiều nhà máy chế biến lâm vào tình trạng dư thừa công suất khi được đầu tư rất lớn, nhưng khai thác chỉ đạt 50-70%, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ vậy, mối quan hệ liên kết giữa sản xuất nguyên liệu và các nhà máy chế biến vẫn chưa được xây dựng tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám thì Việt Nam đang “một mình một chợ” trong việc xuất khẩu cá tra, nhưng lại không làm chủ được thị trường thế giới do tổ chức xuất khẩu chưa tốt. Việc các DN cạnh tranh lẫn nhau đã làm giá cá tra sụt giảm, các nhà nhập khẩu thế giới biết được điều này nên luôn tìm cách ép giá chúng ta.
Ngoài ra, xuất khẩu cá tra hiện nay chủ yếu là xuất thô đến 99%, không có thương hiệu và chỉ xuất qua trung gian... với những bất cập như trên, Việt Nam đã bị các nhà nhập khẩu đưa ra các rào cản thương mại cũng như các thủ thuật để đẩy giá nhập khẩu của cá tra xuống.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, hiện nay, nguồn thức ăn thủy sản phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài trong khi thức ăn chiếm hơn 80% giá thành của con cá tra, giá thức ăn cũng chưa thể kiểm soát, ngoài ra còn rất nhiều khó khăn trong kiểm soát các yếu tố đầu vào khác như: Chất lượng về giống, vật tư xử lý, cải tạo môi trường, phát triển cá tra không theo quy hoạch, liên kết giữa người nuôi và DN chế biến gặp nhiều khó khăn...