Nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư được cho là có xuất xứ từ Pháp, từ hồi năm 1564. Khi đó Nhà Vua nổi hứng đổi lịch ăn tết mới, chọn ngày 1-1, thay vì ngày 1-4 như trước kia. Việc đổi lịch đột ngột nhiều người không biết nên họ cứ ăn tết vào ngày 1-4 theo lịch cũ, để rồi bị những người khác chọc quê. Thế là nhân chuyện đó, cứ dịp 1-4 hàng năm người dân Pháp lại kiếm chuyện để trêu chọc nhau, ai cũng cố phịa ra chuyện gì đó khiến người khác chả biết thật hay đùa. Lừa được người khác “dính bẫy” sẽ trở thành niềm vui của mỗi người trong ngày này.
Pháp là nước giầu có, mà thông thường những việc làm của người giầu thì thường được kẻ khác bắt chước, chả cần biết tốt hay xấu. Ngày Cá tháng Tư của người Pháp cũng vậy, nhanh chóng lan ra hết nước này qua nước khác, cứ như dịch cúm gà, dần dà lan đến VN lúc nào không hay.
Trước kia, thông tin chưa phát triển, ở xứ ta ít người biết đến 1-4. Khoảng chục năm trở lại đây, dân ta mới chính thức tiếp nhận ngày Cá tháng Tư, ấy là nói trên phương diện nó đã thực sự đi vào đời sống. Còn ngày nay, ai mà không biết ngày này thì tất yếu sẽ bị chọc quê như những người Pháp không biết việc đổi lịch ăn tết cách đây 5 thế kỷ.
Tất nhiên, cứ đến ngày 1-4, những người chưa biết hoặc sắp biết, kể cả người mới biết ngày Cá thángTư thì kiểu gì cũng bị quả lừa đau, nhẹ thì tức tối một lúc, nặng thì có khi hoảng loạn chạy đi đâu đó để rồi bị tốn công sức tiền bạc, có khi còn bị nổi khùng lên gây hậu quả nghiệm trọng.
Có chuyện rất đau lòng như thế này: Cô gái nọ tự dưng nhân được tin nhắn từ số máy lạ, nói rằng cô đang bị người yêu lừa dối, anh ta đã có người khác và hôm nay họ sẽ đi đăng ký kết hôn gấp để làm thủ tục định cư nước ngoài, nếu cô không tin thì cứ âm thầm theo dõi. (Thực ra tin nhắn nặc danh này là của cô em gái anh người yêu, mục đích lừa chị dâu tương lai ngày 1-4. Sở dĩ cô em bịa ra nội dung chuyện này vì biết thừa hôm nay anh trai sẽ chở cô em họ ra phường làm thủ tục tạm trú). Vốn chưa quen ngày Cá tháng Tư, cô gái tưởng thật liền đi theo dõi và quả nhiên thấy người yêu chở một cô gái ra phường. Trực quan quá sinh động, cô gái không thể không tin. Cô đau khổ tột cùng, quyết ra sông Thị Nghè tự tử. Trước khi nhảy xuống sông, cô có nhắn tin cho người yêu lần cuối. Người yêu nhận được tin nhắn của cô, nhưng khổ nỗi anh ta vốn đã cảnh giác ngày 1-4 từ sáng sớm, cho rằng người yêu “câu cá” nên cóc thèm ra cứu. Kết quả là cô gái nhảy xuống sông thật, nhưng rất may, nước sông đặc quánh lại đầy rác, cô không chìm được, không chết nhưng người cô cứ thum thủm suốt mấy ngày.
Câu chuyện đau lòng trên chỉ là bịa nhân ngày 1-4, nhưng nó đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về những hậu quả nặng nề có thể xảy ra nếu tình trạng nói dối bị lạm dụng. Từ đó làm nảy sinh cuộc tranh cãi tóe loe giữa hai phe: phe cánh tả thì phản đối ngày 1-4, phe cực hữu thì ủng hộ.
Những người ủng hộ ngày Cá tháng Tư thì cho rằng trong cuộc sống ai cũng từng nói dối, nói dối là một nhu cầu có thật. Vậy nên cần có một ngày để mọi người nói dối thỏa thích, để những ngày khác người ta bớt nói dối đi. Mặt tích cực khác, là khi nói dối tập trung vào một ngày thì mọi người sẽ biết để dễ xử lý hơn, chứ nếu để nói dối lung tung, thật giả lẫn lộn, không biết đâu mà lần, rất nguy hiểm.
Người phản đối thì họ lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng ngay cả khi được nói dối thoải mái trong ngày 1-4 thì những ngày khác người ta vẫn nói dối như thường, chả thấy bớt đi được tí tẹo nào, có khi lại quen mồm nói dối nhiều hơn. Trong khi đó, thiệt hại trước mắt của ngày 1-4 do mọi người nói dối đồng loạt gây nên là rất đáng kể và quá rõ ràng. Một vài người đưa dẫn chứng cụ thể như sau:
Một ông chủ quán nhậu cho rằng trong năm không có ngày nào mà quán nhậu ế ẩm như ngày 1-4, kể cả là so với ngày mưa bão hoặc triều cường lên đỉnh. Ông này cho biết, cứ 10 ông được bạn gọi rủ đi nhậu trong ngày 1-4 thì có đến 11 ông nghĩ rằng bạn đang “câu cá” mình, kết quả là chả ông nào đi. Vì vậy ông ta đề nghị khẩn trương dẹp ngay ngày Cá Tháng Tư.
Hoặc:
Một ông bác sỹ nhiều năm kinh nghiệm thì tỏ ra rất bức xúc vì trong ngày Cá tháng Tư những ca cấp cứu khi đến viện đều nặng hơn những ngày bình thường. Lý giải cho hiện tượng này, vị bác sỹ cho rằng rất nhiều người khi nhận được tin báo người thân bị bệnh hay tai nạn, thì lại nghĩ rằng mình đang bị lừa “cá tháng tư’, nên chả quan tâm, đến khi phát hiện sự thật thì đã muộn.
Trong khi 2 phe vẫn đang hăng say cãi nhau nảy lửa thì phe dung hòa cho rằng cuộc sống tươi đẹp thì không thể thiếu những lời nói dối đáng yêu. Ngày 1-4 rất cần để chúng ta đùa nhau những trò vui vẻ và vô hại. Tuy nhiên, ngày 1-4 sẽ trở thành không cần thiết, thậm chí đáng lên án nếu chúng ta đùa quá trớn, không ý thức được những khả năng có thể gây hại cho nhau. Tuy có hơi “ba phải”, nhưng ý kiến của phe dung hòa không phải không có lý.
Cuộc đời dù muốn hay không thì vẫn còn đó những lời nói dối vô hại và cả những trò ác ý, dối trá, lọc lừa. Chúng ta hãy cứ đùa thật vui khi 1-4 về, nhưng đừng quá trớn, đừng vô tâm và cũng đừng chấp vặt. Hãy "nói dối” để rồi thật thà hơn, hãy chọc ghẹo để yêu thương hơn, hãy bao dung nhưng đừng quên “cảnh giác”... đó mới chính là tinh thần của ngày Cá tháng Tư.