Các loài tôm hùm dễ bị cảm nhiễm như tôm hùm bông, tôm hùm đá, tôm hùm tre được nuôi ở khu vực Nam Trung Bộ. Bệnh thường xuất hiện bắt đầu từ tháng 4, bùng phát vào giữa mùa mưa (tháng 9 – 10 âm lịch). Bệnh thường xuất hiện do tôm hùm ăn phải thức ăn bị ôi thiu, có mang mầm bệnh; từ tôm bị bệnh lây truyền sang tôm khỏe trong cùng một lồng hoặc gián tiếp qua môi trường nhiễm bệnh; từ lồng, bè có tôm bệnh sang lồng, bè khác trong vùng nuôi.
Khi tôm hùm mắc bệnh thường có các biểu hiện như: Tôm bệnh hoạt động kém, ít phản ứng với những tác động xung quanh, giảm ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn, sau 3-5 ngày bị nhiễm bệnh, các đốt ở phần bụng của tôm chuyển từ “trắng trong” sang “trắng đục”, mô cơ ở phần bụng chuyển sang màu trắng đục hay vàng đục, nhão, có mùi hôi, dịch tiết của cơ thể (bao gồm cả máu) có màu trắng đục như sữa, số lượng tế bào máu giảm nhiều so với tôm bình thường, máu khó đông, gan tụy chuyển màu nhợt nhạt và có trường hợp bị hoại tử, tôm chết sau khoảng thời gian trung bình 9-12 ngày kể khi nhiễm tác nhân gây bệnh.
Tôm hùm bị bệnh sữa.
Tùy điều kiện cụ thể để áp dụng các biện pháp phòng bệnh và phác đồ điều trị bệnh sữa trên tôm hùm. Người nuôi có thể tham khảo một số phương pháp phòng bệnh tổng hợp sau:
- Vị trí đặt lồng, bè: Phải nằm trong ranh giới mặt nước được giao, cho thuê. Đáy lồng cách đáy biển ít nhất 01 mét vào lúc mực nước thủy triều thấp nhất. Đặt lồng nuôi tôm ở nơi có độ sâu tối thiểu khi triều thấp là 4m (đối với nuôi lồng găm) hoặc từ 4 - 8m (đối với nuôi lồng nổi). Cách xa các cửa sông để tránh nước ngọt từ sông đổ ra trong mùa mưa làm giảm độ mặn gây sốc hoặc có thể nước sông bị ô nhiễm, có các chất độc hại.
- Khoảng cách giữa các lồng, bè: Khoảng cách tối thiểu giữa các lồng trong cùng một bè hoặc cùng một cụm lồng là 01 mét, khoảng cách giữa các bè hoặc cùng một cụm lồng của 01 cơ sở nuôi không nhỏ hơn 50 mét.
- Mật độ lồng nuôi: 30 - 60 lồng/ha (đối với lồng có kích thước dài x rộng x cao = 3m x 3m x 1,5m).
- Lựa chọn tôm hùm giống đạt chất lượng tốt, khỏe mạnh; thời gian lưu giữ tôm giống từ thời điểm kết thúc khai thác ở biển đến thời điểm thả ương nuôi không quá 48 (bốn mươi tám) giờ.
- Giống nhập khẩu phải được kiểm dịch, nuôi cách ly, kiểm tra chất lượng; đối với giống nhập từ tỉnh khác phải có giấy kiểm dịch do cơ quan quản lý dịch bệnh thủy sản của địa phương nơi xuất giống cấp.
- Khi thả giống cần đảm bảo các điều kiện để tôm giống thích nghi với môi trường nước mới, không bị sốc nhiệt độ, độ mặn.
- Thức ăn tươi đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng dùng trong nuôi trồng thủy sản, được bảo quản tốt, được sát trùng (có thể ngâm thuốc tím nồng độ 3 - 5 mg/l) trước khi cho tôm ăn.
- Bổ sung premix (các loại vitamin trong đó có vitamin C, axit amin, khoáng chất), men tiêu hóa, trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.
- Không chứa các loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ cá thể yếu, vỏ lột xác và thức ăn dư thừa sau 2 đến 3 giờ cho ăn để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh, làm ô nhiễm cục bộ nền đáy và điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ. Định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu bám làm bít lỗ lưới.
- Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
- Trong quá trình thao tác đánh bắt, phân cỡ đàn tôm cần nhẹ nhàng, tránh xây xát cho tôm. Nếu để tôm bị tổn thương, các vi sinh vật gây bệnh sẵn có trong môi trường dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua các vùng tổn thương này.
- Ghi nhật ký trong suốt quá trình nuôi bao gồm các thông tin về giống, thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học; tình hình sức khỏe tôm nuôi hàng ngày; ngày bán tôm, số lượng tôm bán, cơ sở thu mua.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết.