Chiều 3/10, hội thảo quốc tế Công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ quốc tế năm 2018 diễn ra tại Cần Thơ.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, ngành tôm hiện chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong nông nghiệp và nền kinh tế cả nước. Đây là một trong các sản phẩm mà Việt Nam đang nằm trong top đầu thế giới.
Hiện mặt hàng tôm chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu ngành thủy sản. Diện tích nuôi tôm tăng từ gần 640.000 ha (năm 2010) lên 720.000 ha (năm 2017) khiến sản lượng tôm từ 470.000 tấn tăng lên 657.000 tấn.
Diện tích nuôi mở rộng, sản lượng tăng kéo theo các phụ phẩm tôm (đầu, vỏ...) cũng tăng theo và thường bỏ đi trong quá trình chế biến tôm công nghiệp. Năm 2017, lượng phụ phẩm tôm của cả nước trên 320.000 tấn, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng thêm 60%. Phụ phẩm tôm đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến thủy sản do bị phân hủy tự nhiên gây ô nhiễm môi trường.
Để tận dụng nguồn phụ phẩm này, nhiều công nghệ đã được các chuyên gia giới thiệu nhằm khai thác 'mỏ vàng' của ngành tôm. Đó là công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao như: chitin, chitosan, protein thủy phân... có khả năng áp dụng để sản xuất thực phẩm chức năng, vật liệu sinh học, y tế, nông nghiệp...
Hiện ở Việt Nam chỉ số ít doanh nghiệp đầu tư công nghệ chế biến phụ phẩm từ tôm thành thức ăn trong ngành thủy sản, chất dẫn thức ăn, sản xuất chitosan xử lý nước thải...
Để tận dụng các nguồn phụ phẩm từ con tôm, thu hồi được tối đa các sản phẩm và tiếp cận với mô hình không chất thải, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần có chính sách riêng biệt hỗ trợ chế biến và phát triển thị trường thị trường phụ phẩm từ tôm thay vì lồng ghép trong những chính sách khác như hiện nay.