Khối lượng cát được bơm rất lớn, ước tính lên đến cả ngàn m3. Người dân sinh sống trong khu vực lo ngại: liệu việc hút cát với khối lượng lớn như thế có làm biến đổi dòng chảy ở cửa sông, kéo theo hiện tượng xâm thực, xói lở vào mùa biển động. Tuy nhiên, không ít người cho rằng mưa bão, triều cường đã gây xói lở ao nuôi tôm nghiêm trọng, giờ hút lên đắp lại kiên cố là việc bình thường.
Nuôi tôm cao triều được đánh giá có nhiều ưu điểm trong kiểm soát nguồn gây ô nhiễm và dịch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều hộ dân đã cải tạo ao nuôi từ hình thức hồ hở thấm nước, sang hồ lót bạt nuôi tôm cao triều. Điều đáng nói để cải tạo ao nuôi này, nhiều người đã ồ ạt nối vòi bơm hút cát từ các cửa sông, khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
Định hướng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ, nước mặn ở tỉnh Phú Yên đến năm 2020 là giảm khoảng 100 ha diện tích ao nuôi so với con số 2.024 ha hiện nay. Thay vào đó là đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nuôi theo hướng công nghiệp để nâng cao sản lượng và chất lượng tôm. Vì vậy việc người dân cải tạo hồ theo hướng lót bạt, nuôi bán công nghiệp là xu hướng chung. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải tuân thủ quy định pháp luật.
Vào vụ nuôi tôm mới, ao chưa cải tạo, không thể nuôi được. Nhưng cải tạo ao nuôi tôm bằng cách bơm hút cát dưới lòng sông khi chưa có đánh giá tác động môi trường là không được phép. Vì vậy, người nuôi tôm đang rất cần thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng.