Cụ thể, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu tổ chức rà soát, thống kê, kiểm tra các đầu mối nhập tôm hùm giống về địa phương; tuyên truyền, phổ biến các quy định kiểm dịch vận chuyển, cách ly giống tôm hùm nhập; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện kiểm dịch, cách ly đúng theo quy định.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương theo dõi, giám sát các vùng nuôi tôm hùm, kịp thời nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các giải pháp phòng và các phác đồ trị bệnh hiệu quả, giảm thiệt hại kinh tế cho người nuôi tôm hùm...
UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tuy An, TX Sông Cầu rà soát, lập quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tôm hùm để sắp xếp, quản lý giống và lồng nuôi. UBND huyện Đông Hòa thực hiện phương án quy hoạch tạm thời vùng nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè tại Vũng Rô (100ha). UBND huyện Tuy An và TX Sông Cầu rà soát, xác định khu đất khoảng 70ha (huyện Tuy An 10ha, TX Sông Cầu 60ha) để quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm hùm trên bờ. Giao Sở KH-CN và các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết nuôi tôm hùm; ứng dụng mô hình phòng trị bệnh sữa trên tôm hùm nuôi lồng; ứng dụng mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các cơ sở nuôi tôm hùm...
Được biết, thời gian qua, bệnh sữa trên tôm hùm có chiều hướng bùng phát tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu, với hơn 1,1 triệu con bị bệnh; tỉ lệ tôm chết từ 10-30%, cá biệt ở một số lồng nuôi có tỉ lệ chết từ 50-70% so với tổng số tôm bị bệnh.