Ảnh minh hoạ
Phát biểu tại một hội thảo trong khuôn khổ của Hội chợ Thủy sản Châu Âu diễn ra hồi tháng 4/2012 tại Brussels, Bỉ có sự tham gia của Hội đồng Quản lý nuôi trồng Thủy sản (ASC), Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Hà Lan (IDH) và Qũy Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), ông Nguyễn Hữu Dũng– Phó chủ tịch VASEP đưa ra thông điệp rằng, thị trường thủy sản có quá nhiều hệ thống đánh giá và chứng nhận nhưng các hệ thống này lại thiếu sự minh bạch. Điều này dẫn đến sự hỗn loạn và sự thiếu tương thích giữa các nhà sản xuất và các thị trường chính; Chi phí thực hiện chứng nhận không cần thiết (do các yêu cầu chồng chéo và đối kháng nhau); Các cơ hội dẫn tới hệ thống làm sạch xanh; Và sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng do những thông điệp thiếu nhất quán.
Ông Nguyễn Hữu Dũng đã đưa ra danh sách các hệ thống chứng nhận sản xuất bền vững hiện đang được giới thiệu cho các nhà sản xuất cá tra Việt Nam như SQF 1000, Global GAP, BAP, VietGAP và mới nhất là ASC. Điều này chắc chắn sẽ khiến các nhà sản xuất lúng túng trong lựa chọn tiêu chuẩn để thực hiện.
Về phía người tiêu dùng, hiện có đến 20 logo được thừa nhận dùng cho thủy sản được sản xuất bền vững, cũng gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng. Bên cạnh đó, hầu hết người tiêu dùng không biết hoặc cũng không quan tâm đến việc những logo này tượng trưng cho điều gì. Đồng thời, quy trình thực hiện các chứng nhận đều tốn kém và các nhà sản xuất Việt Nam hầu hết không thể gánh nổi chi phí sản xuất cá tra nếu thực hiện các chứng nhận này- ông Dũng cho biết.
Các tổ chức NGO khi tung ra hệ thống chứng nhận thường nói rằng, họ không có lợi gì về mặt tài chính, và những chứng nhận phụ thuộc vào các công ty thực hiện chứng nhận độc lập. Tuyên bố này làm dấy lên một số hoài nghi trong ngành hải sản. Một nhà điều hành giấu tên tại ESE phát biểu “Điều này khiến tôi hoài nghi về cái tôi và tiền bạc”.
Trong khi đó, một nhà chức trách thuộc một tổ chức về cá nuôi cho biết, các hệ thống chứng nhận bền vững đều phải gánh một khoản chi phí marketing khổng lồ.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cá tra Việt Nam không có lựa chọn nào khác hơn bằng việc phải áp dụng các tiêu chuẩn này, mặc dù không thể chia sẻ gánh nặng chi phí bằng cách tăng giá sản phẩm. Các nhà nhập khẩu cũng khăng khăng rằng, họ cần thực hiện chứng nhận do các khách hàng của họ (các nhà bán lẻ và các chuỗi dịch vụ ăn uống lớn) yêu cầu phải có chứng nhận sản xuất bền vững.
Vậy liệu ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến khẳng định tính bền vững này? Và liệu ngành nuôi trồng thủy sản có cần đến ASC để cạnh tranh với tất cả các tiêu chuẩn bền vững khác đã thật sự có hay không?